Chiều 04/11, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng chủ trì cuộc họp với các sở, ban, ngành, địa phương, đánh giá tình hình thực hiện, kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đến ngày 31/10/2024 và các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh 03 tháng cuối năm. Dự họp có các Phó Chủ tịch UBND Hồ Quang Bửu, Trần Anh Tuấn.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng cho rằng: hiện nay, tiến độ giải ngân trên địa bàn toàn tỉnh đạt 48,98% là khá thấp so với mặt bằng chung cả nước. Vì vậy, để phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng đề nghị các sở, ngành, địa phương và chủ đầu tư cần tập trung phân tích tồn tại, bất cập, đề xuất hệ thống nhiệm vụ giải pháp nhằm hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công theo đúng lộ trình đề ra từ nay đến cuối năm.
Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 của Quảng Nam là trên 9 nghìn tỷ đồng, trong đó năm 2024 trên 7,2 nghìn tỷ đồng, vốn năm 2023 kéo dài sang năm 2024 trên 1,8 nghìn tỷ đồng. Đến nay, đã phân bổ chi tiết cho các ngành và các địa phương là gần 6,8 nghìn tỷ đồng, đạt 94%.
Theo số liệu Kho bạc Nhà nước tỉnh Quảng Nam, đến ngày 31/10/2024, vốn đầu công năm 2024, không bao gồm các dự án do trung ương quản lý, giải ngân trên 4,4 nghìn tỷ đồng, chỉ đạt 48,98%, tương đương so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn năm 2024 giải ngân đạt gần 47%; vốn năm 2023 kéo dài đạt trên 58%. Toàn tỉnh có 12 sở, ngành có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả tỉnh tức dưới 48,98%; 05/18 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả tỉnh,.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các địa phương, đại diện sở, ngành báo cáo tình hình giải ngân của đơn vị, trong đó nhiều đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp cũng nêu lên các khó khăn vướng mắc, dẫn đến việc giải ngân chậm vốn đầu tư công được phân bổ. Trong đó tập trung một số nguyên nhân chính như, công tác GPMB kéo dài, do việc xác nhận nguồn gốc đất gặp khó khăn; đơn giá bồi thường tại một số khu vực chưa sát với thực tế; người dân thường kiến nghị chủ đầu tư bồi thường quá cao so với mặt bằng chung.
Hiện nay, đang vào mùa mưa lũ, điều kiện thời tiết phức tạp, nguy cơ sạt lở đất rất cao do đó tình hình giải ngân đối với các địa phương miền núi trong giai đoạn này rất khó được cải thiện, tỷ trọng khối lượng nhiều dự án khá lớn, nhiều dự án cần bổ sung, điều chỉnh cập nhật thiết kế dẫn đến chậm tiến độ thực hiện.
Ngọc Trang – Duy Bình