Trang chủChính TrịHai tháng đầu năm 2025, Quảng Nam tăng trưởng tích cực nhưng còn nhiều thách thức

Hai tháng đầu năm 2025, Quảng Nam tăng trưởng tích cực nhưng còn nhiều thách thức

Sáng 11/3, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng chủ trì phiên họp giao ban thường kỳ tháng 2, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế – xã hội và triển khai phương hướng trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng chủ trì phiên họp giao ban thường kỳ tháng 2

Theo đánh giá tại cuộc họp, hai tháng đầu năm 2025, kinh tế – xã hội tỉnh Quảng Nam tiếp tục có những bước phát triển tích cực nhưng vẫn đối diện với không ít thách thức. Sản xuất nông, lâm, thủy sản diễn ra thuận lợi; ngành công nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng so với cùng kỳ năm trước, dù có sự sụt giảm nhẹ so với tháng trước. Cụ thể, sản lượng khai thác thủy sản hai tháng đầu năm giảm nhẹ do yếu tố thời tiết và thời gian nghỉ Tết. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp giảm so với tháng đầu năm nhưng vẫn tăng hơn 41% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng gần 19%, đặc biệt là chỉ số sản xuất của bốn nhóm ngành lớn đều tăng so với cùng kỳ. Trong đó: khai khoáng tăng hơn 28%, công nghiệp chế biến – chế tạo tăng gần 20%, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 14%, ngành sản xuất cung cấp nước và xử lý rác thải tăng gần 7%.

Hoạt động thương mại – dịch vụ tiếp tục ghi nhận những tín hiệu tăng trưởng tích cực. Tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch đạt 740 nghìn lượt, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khách quốc tế đạt 560 nghìn lượt, tăng 24%; khách nội địa ước đạt 180 nghìn lượt, tăng 10%. Doanh thu từ tham quan, lưu trú du lịch tháng 2 ước đạt 980 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ; thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 2.303 tỷ đồng.

Mặc dù có nhiều tín hiệu tích cực, song trong hai tháng qua, thu ngân sách giảm trong khi chi tiêu công tăng cao, tạo áp lực lớn lên cân đối tài chính. Tình hình doanh nghiệp có tín hiệu khả quan với số doanh nghiệp thành lập mới tăng, nhưng số doanh nghiệp rút khỏi thị trường cũng gia tăng cho thấy khó khăn vẫn còn hiện hữu. Trước bối cảnh đó, kiểm soát lạm phát, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững sẽ là những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn trong hai tháng đầu năm đạt 3.432 tỷ đồng, bằng 14% dự toán, giảm 28% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, thu nội địa đạt 3.934 tỷ đồng, bằng 19% dự toán, tăng 1%. Tổng chi ngân sách đạt 3.051 tỷ đồng, bằng 9% dự toán, giảm 41%, trong đó chi đầu tư phát triển 897 tỷ đồng, chi thường xuyên 2.153 tỷ đồng.

Tình hình đăng ký doanh nghiệp tiếp tục khởi sắc, nhưng cũng đối mặt không ít thách thức. Tính đến cuối tháng 2, toàn tỉnh có 180 doanh nghiệp thành lập mới, tăng hơn 11% so với cùng kỳ, với tổng vốn đăng ký gần 600 tỷ đồng, giảm 1% so với năm trước.

Thời gian này,  tỉnh đã cấp mới 9 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký gần 530 tỷ đồng, đồng thời cấp mới 4 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký hơn 12 triệu USD. Hiện toàn tỉnh có 207 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký khoảng 6,3 tỷ USD, chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến – chế tạo.

Năm 2025, Quảng Nam có kế hoạch vốn đầu tư công 8.311 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương 2.929 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 5.382 tỷ đồng. Đến nay, đã phân bổ 7.290 tỷ đồng, đạt 88% kế hoạch; còn lại 1.021 tỷ đồng chưa phân bổ chi tiết.

Dù đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng áp lực cân đối ngân sách vẫn còn lớn khi thu giảm trong khi chi tiêu công tăng cao. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng, song số doanh nghiệp rút khỏi thị trường cũng gia tăng.

Trước bối cảnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng yêu cầu các ngành, địa phương tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp kiểm soát lạm phát, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững. Cùng với đó, cần tháo gỡ vướng mắc, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đảm bảo không phụ lòng tin của doanh nghiệp và người dân.

Đặc biệt, việc triển khai các nghị quyết của Trung ương và tỉnh về sắp xếp tổ chức, nhất là đối với các đơn vị sáp nhập, cần thực hiện nghiêm túc. Đồng thời, các nhiệm vụ chính trị và giải pháp đảm bảo tăng trưởng 10% theo mục tiêu đề ra phải được triển khai quyết liệt, hiệu quả.

Năm 2025, Quảng Nam có kế hoạch vốn đầu tư công 8.311 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương 2.929 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 5.382 tỷ đồng. Đến nay, đã phân bổ 7.290 tỷ đồng, đạt 88% kế hoạch; còn lại 1.021 tỷ đồng chưa phân bổ chi tiết.

Hiền Viên – Quang Phi

Bình chọn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

ĐỌC NHIỀU