Trang chủKinh tếQuảng Nam: Chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31 của Chính phủ đạt thấp

    Quảng Nam: Chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31 của Chính phủ đạt thấp

    Sáng ngày 11/11, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Nam tổ chức hội nghị kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp thúc đẩy triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/NĐ-CP, với sự tham gia của các tổ chức tín dụng trên địa bàn và đại diện một số doanh nghiệp trên địa bàn.

    Toàn cảnh hội nghị

    Tổng hợp của NHNN Chi nhánh Quảng Nam cho biết, đến cuối tháng 9, dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt gần 92 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 10% so với đầu năm và đạt gần 97% chỉ tiêu đăng ký trong năm. Tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên chiếm tỷ trọng lớn. Tuy nhiên, nợ xấu tăng cao do khách hàng gặp khó khăn về tài chính, doanh thu giảm sút, không có khả năng trả nợ…

    Mặc dù đã có sự đôn đốc triển khai hơn 5 tháng qua, song đến nay, chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31 của Chính phủ và Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước vẫn đạt thấp. Đến cuối tháng 9, dư nợ cho vay chương trình này chỉ mới đạt gần 13 tỷ đồng, tương ứng với số tiền hỗ trợ lãi suất chỉ hơn 17 triệu đồng.

    Những doanh nghiệp được hỗ trợ thuộc các lĩnh vực nông lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp chế biến chế tạo; vận tài và kho bãi… Đáng nói, chỉ có 5 trong tổng số 29 ngân hàng thương mại trên địa bàn có phát sinh dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31 của Chính phủ… 161 hồ sơ khác hiện vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện.

    Đây là con số quá khiêm tốn so với bình diện chung của cả nước, cũng như nhu cầu thực tế của cộng đồng doanh nghiệp địa phương. Theo ý kiến của đại diện các tổ chức tín dụng trên địa bàn, việc bóc tách lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất, cũng như chứng từ chứng minh dòng vốn vay được sử dụng cho lĩnh vực hỗ trợ lãi suất là rất khó đố với những doanh nghiệp vay vốn kinh doanh đa ngành nghề; còn nhiều ngành nghề không nằm trong diện hưởng lợi từ chương trình… Ngoài ra, trong diễn biến phức tạp của tỉnh hình kinh tế, thì việc xác định khách hàng có khả năng phục hồi là rất khó…

    Cùng với việc tiếp tục thông tin, truyền thông và phổ biến rộng rãi chính sách, những vướng mắc chung cũng như những vướng mắc mang tính đặc thù địa bàn sẽ được Ngân hàng Nhà nước Quảng Nam tập hợp, báo cáo và đề xuất với cấp có thẩm quyền tháo gỡ, thúc đẩy giải ngân mạnh hơn trong những tháng cuối năm 2022 và 2023.

    Hiền Viên – Trung Hiếu

    Bình chọn

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

    ĐỌC NHIỀU