Trang chủE-MagazineE-Magazine: Chuyện những người giữ Voọc ở Tam Mỹ Tây

    E-Magazine: Chuyện những người giữ Voọc ở Tam Mỹ Tây

    Theo ông Nguyễn Hải – một trong những thành viên đầu tiên của nhóm, Voọc đã xuất hiện tại khu vực rừng núi ở Tam Mỹ Tây từ khá lâu, hơn hai mươi năm trước, những người dân đi làm rẫy thỉnh thoảng vẫn bắt gặp những đàn “khỉ lạ”. Điều đặc biệt là không giống như những loài thú hoang dã thường phá hoại cây trồng, loài vật này sống có tổ chức, hiền lành và rất thân thiện với con người. Vì thế, những giờ nghỉ trưa, ngồi dưới bóng cây nhìn chúng chuyền cành, vui đùa hay chăm sóc nhau trở thành những phút giây thư giãn thoải mái của người dân.

    Thế nhưng, có một dạo nạn săn bắt thú rừng diễn ra khá phức tạp, số lượng Voọc bắt đầu giảm dần và Voọc cũng trở nên sợ người hơn. Hồi đấy, những người như ông Hải cũng không hề biết đây là loài động vật quý hiếm, nhưng tự trong lòng mình thấy tiếc, thấy thương cho những con vật hiền lành nên ông cùng với 2 thành viên nữa tự nguyện lập nhóm, đi tuyên truyền bà con không nên săn bắt loài vật này. “Hồi đó mình cũng chỉ biết động viên họ đừng đi săn bắt đặt bẫy nữa chứ mình cũng đâu có biết làm gì hơn”- ông Hải chia sẻ.

    Thời điểm mang tính chất bước ngoặc đối với người dân Tam Mỹ Tây nói chung và những người vẫn ngày đêm âm thầm bảo vệ đàn Voọc nói riêng là năm 2017, khi tổ chức Green Việt đã vào đây để nghiên cứu về loài vật này theo đề nghị của ngành Kiểm lâm. Và điều khiến cho tất cả vỡ òa ngạc nhiên, loài vật bấy lâu nay người dân ra sức giữ gìn chính là loài Voọc chà vá chân xám – một loài linh trưởng quý hiếm có tên trong Sách Đỏ Việt Nam và  thuộc danh sách các loài cực kỳ nguy cấp trong Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN). Những nhà nghiên cứu của Green Việt cũng cho biết, cánh rừng ở xã Tam Mỹ Tây là quần thể duy nhất trên thế giới dễ dàng quan sát được Voọc chà vá chân xám ngoài tự nhiên và họ cũng rất ngạc nhiên trước sự trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ đàn Voọc này.

    Xác định cộng đồng địa phương là nhân tố chính trong bảo tồn bền vững quần thể Voọc, chính quyền địa phương đã thành lập “Nhóm Tiên phong bảo vệ loài Voọc chà vá chân xám – Tam Mỹ Tây” với 19 người bao gồm đại diện UBND xã, lực lượng kiểm lâm và người dân địa phương để thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ Voọc trên địa bàn xã. Bên cạnh đó, nhóm cũng nhận được sự hỗ trợ về trang thiết bị, tuần tra, tập huấn kỹ năng nghiệp vụ…thông qua các dự án của Trung tâm Green Việt.

    Ông Trần Hữu Vỹ – Giám đốc Trung tâm Green Việt đánh giá về hoạt động của nhóm Tiên phong

    Với sẵn tình yêu dành cho Voọc, từ khi biết được đây là loài động vật quý hiếm, những thành viên của nhóm “Tiên phong” lại thấy mình càng phải có trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn loài vật này. Thế là họ không quản ngại nắng mưa, đường sá đi lại khó khăn, họ chia nhau thành từng nhóm 3 người băng rừng, vượt núi cùng với lực lượng kiểm lâm viên, hằng tuần, thay phiên đi tuần tra, gỡ bẫy, kiểm đếm đàn Voọc.

    Ông Võ Ngọc Danh (người đứng giữa) chia sẻ những kỷ niệm khi đi tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ Vọoc

    Trả lời cho câu hỏi của tôi, anh Phương nói, khó khăn thì nhiều thật đó, “cơm nhà áo vợ”, cực lắm chứ, nhưng thấy những đoàn chuyên gia qua đây nghiên cứu có những người họ 70-80 tuổi mà họ vẫn rất xốc vác, nhiệt tình, họ yêu loài vật này như vậy, nên anh em động viên nhau mình còn khỏe, còn đi được thì gắng bỏ thêm chút công sức. Mấy năm trước, bên Green Việt có hỗ trợ cho nhóm mỗi tháng được 3 triệu đồng, cũng không đáng là bao, chủ yếu hỗ trợ cho anh em tiền xăng xe, mua thêm vài dụng cụ đi rừng. Giờ dự án cũng kết thúc, nhưng anh em thì vẫn tiếp tục công việc của mình thôi.

    Không chỉ là những người bảo vệ Voọc trên những cánh rừng, những thành viên của nhóm Tiên phong còn là những tuyên truyền viên tích cực với cộng đồng về việc phải bảo vệ loài vật quý hiếm này.

    Thông qua các chương trình từ các dự án của Green Việt, Si Da, nhóm đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền lưu động đến với người dân, các em học sinh tại xã Tam Mỹ Tây và các địa phương lân cận. Nhờ đó, những người dân đã hiểu rõ hơn về loài vật này và đều ủng hộ việc bảo vệ loài Voọc của địa phương.

    Anh Phương chia sẻ: “Một mình chúng tôi thì khó có thể có được kết quả như ngày hôm nay, tất cả là nhờ sự chung tay của cộng đồng. Khi số lượng Voọc ngày càng tăng, nguồn thức ăn cũng như sinh cảnh của Voọc bị thu hẹp, qua tuyên truyền đã có một số hộ dân cam kết giữ lại một phần diện tích rừng nơi giáp ranh vùng Voọc sinh sống để giữ sinh cảnh cho Voọc. Hay ngay cả anh em tụi tôi, nhiều khi đi tuần tra về, bà con kêu lại bảo vào uống miếng nước hay cho con gà để anh em ăn tối, chỉ rứa thôi mà thấy vui vô cùng”.

    Nhưng không phải việc tuyên truyền lúc nào cũng thuận lợi, nhất là với những người ở địa phương khác tới. “Có những người phải đi năm lần, bảy lượt, có người còn tìm cách gây hấn, nhưng mà anh em tụi tôi không nản chí. Rứa rồi, có những người trước đây thường đi săn bắt thú rừng, sau khi được tuyên truyền thì họ quyết định giao nộp dụng cụ cũng có người còn xin vào đội tuần tra nữa”- ông Danh chia sẻ thêm.

    Nhờ được tích cực tuyên truyền cùng sự vào cuộc của chính quyền địa phương, ý thức của người dân cũng dần được nâng lên. Số lượng cá thể Voọc tại Tam Mỹ Tây đã tăng lên qua từng năm, đây là điều đáng mừng. Thế nhưng, điều khiến các anh em trong nhóm lo lắng nhất là gần 70 con Voọc sống trong một diện tích rất chật hẹp nên việc thiếu thức ăn cho Voọc thời gian đến là một nguy cơ hiện hữu.

    Cánh rừng Tam Mỹ Tây

    Đó cũng chính là những trăn trở của ông Trần Hữu Vỹ – Giám đốc Trung tâm Green Việt, theo ông đàn Vọoc tại Tam Mỹ Tây hiện đang đứng trước hai mối đe dọa đó là việc xung quanh người dân trồng keo quá nhiều, người dân khai thác keo, đốt rẫy sẽ tiềm tàng nguy cơ cháy rừng; hai nữa là khi xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan quá nóng hoặc quá lạnh thì với sinh cảnh bé nhỏ lại bị chia cắt như hiện nay thì Vọoc sẽ không chịu đựng nổi.

    Anh Huỳnh Công Phương chia sẻ
    Từ ngày 13 – 18/7/2022, Trung tâm GreenViet phối hợp với nhóm Tiên phong bảo vệ Voọc chà vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây (Nhóm TTTB) đã tiến hành thực địa kiểm đếm số lượng Voọc lần 4. Qua kết quả kiểm đếm trên thực địa, tổng số lượng Voọc chà vá chân xám ghi nhận được là 69 cá thể thuộc 11 đàn trên bốn khu vực rừng tự nhiên thuộc bốn hòn núi ở xã Tam Mỹ Tây bao gồm: Hòn Dương Bông (9 cá thể), Hòn Dồ (41 cá thể), Hòn Ông (9 cá thể), Hòn Dương Bản Lầu (10 cá thể).
    Sơ đồ các vị trí ghi nhận Vọoc Chà vá chân xám ở Tam Mỹ Tây

    Tác giả: Ái Linh – Trường Sơn
    Đồ họa: Hiền Vi

    5/5 - (3 bình chọn)

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây