Trang chủE-MagazineE-magazine: Bác Hồ chúc Tết những người con xứ Quảng

    E-magazine: Bác Hồ chúc Tết những người con xứ Quảng

    Bộ trưởng Lê Văn Hiến (ở giữa) cùng các đồng chí lãnh đạo Bộ Tài chính tại ATK. Ảnh sưu tầm
    Chính phủ Liên hiệp kháng chiến ra mắt (đồng chí Lê Văn Hiến hàng thứ hai, đứng thứ ba phải sang). Ảnh tư liệu

    Bộ trưởng Lê Văn Hiến là người con của xứ Quảng, sau cách mạng tháng Tám năm 1945, khi đang là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời thành phố Đà Nẵng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử làm Bộ trưởng Bộ Lao động trong Chính phủ lâm thời. Tháng 02/1946, sau khi ra Hà Nội, đồng chí được giao nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính. Trong phiên họp Chính phủ ngày 02/3/1946, khi giới thiệu đồng chí Lê Văn Hiến làm Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Hồ Chí Minh giới thiệu: “Một nhà cách mạng lẫm liệt nhiều năm, mà cũng nhiều năm ở trong tù tội của đế quốc”.

    Cũng từ đây, đồng chí Lê Văn Hiến có thời gian làm việc bên cạnh Bác Hồ. Có lần, trong một bữa ăn tối sau phiên họp Hội đồng Chính phủ, Hồ Chủ tịch có ra một câu đối vui: “Giáp phải giải Pháp”. Ông Tôn Quang Phiệt liền đối lại “Hiến tài hái tiền”. Cái hay của câu đối không chỉ ở vần, ở chữ, hai chữ đầu nói lái sẽ ra hai chữ cuối, mà còn ở chỗ nói được hai nhiệm vụ quan trọng của cách mạng lúc đó là: Bộ trưởng Quốc phòng Võ Nguyên Giáp phải “giải giáp” quân Pháp; Bộ trưởng Tài chính Lê Văn Hiến phải “hái ra tiền” cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc!

    Trong suốt 12 năm liền (1946-1958), với cương vị là Bộ trưởng Tài chính, nhất là trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp 1946-1954, đồng chí Lê Văn Hiến đóng vai trò chủ chốt trong việc tổ chức công tác kinh tế tài chính – từ việc in và phát hành tiền “Giấy bạc Cụ Hồ” đến việc lo kinh phí cho quân đội, cho các địa phương, cho các cơ quan nhà nước, cho các hoạt động đối ngoại…Vì vậy, nhân dịp Tết Canh Dần – 1950, Bác Hồ đã gửi thiệp chúc mừng ông Hiến với nội dung sau:

    “Thân gửi ông Lê Văn Hiến – Bộ trưởng bộ Tài chính. Chúc năm mới kháng chiến thắng lợi, Tài chính phát đạt”

    Tấm Thiệp được đồng chí Lê Văn Hiến giữ như một báu vật của riêng mình. Sau này tấm Thiệp được giao cho Bảo tàng Hồ Chí Minh lưu giữ, trưng bày.

    Trong nhật ký chiến tranh Nhà văn Chu Cẩm phong đã viết: “Ngày 01/01/1968: Bài thơ chúc Tết của Bác, sáng nay Đài Hà Nội vừa phát đi.

    Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua
    Thắng trận tin vui khắp nước nhà
    Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ
    Tiến lên!
    Toàn thắng ắt về ta.

    Năm nào cũng vậy, cán bộ, bộ đội, Nhân dân cũng chờ nghe thơ chúc Tết của Bác, mặc dù đã học thông suốt tình hình, nhiệm vụ mới, họ vẫn chờ đợi nghe “Bác Hồ nói tình hình năm đến thế nào”, “Cách mạng đi tới đâu”. Ngoài ý nghĩa đó là những câu thơ chúc Tết, họ coi đó là những câu “Sấm”, những điều tiên báo về tương lai… buổi sáng nay vừa ngủ dậy, anh em đã bàn về bài thơ của Bác vui vẻ, phấn khởi như vừa biết thêm một điều gì trong Nghị quyết Bộ Chính trị”.

    Với đồng chí Phạm Thanh Ba, nguyên Chánh Văn phòng Đặc Khu ủy Quảng Đà thì “Không biết từ bao giờ việc chờ nghe Bác Hồ đọc thơ chúc Tết vào giờ giao thừa đã trở thành thói quen, thành nề nếp trong anh em chúng tôi mỗi lần Tết đến Xuân về…”.

    Đồng chí Phạm Thanh Ba (ngoài cùng bên phải) cùng đồng chí, đồng đội trong một lần thăm lại căn cứ Hòn Tàu. Nguồn Báo QN

    Theo đồng chí Phạm Thanh Ba, sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, địch tổ chức nhiều cuộc phản kích quyết liệt vào nông thôn, đồng bằng vào vùng căn cứ gây cho ta nhiều khó khăn, tổn thất. Trước tình hình đó, cuối năm 1968, cơ quan Đặc Khu ủy Quảng Đà chuyển về đứng chân tại Hòn Tàu. Lúc bấy giờ cơ quan Đặc Khu ủy chia làm 2 bộ phận, gồm Bộ phận tiền phương (bộ phận phía trước), đóng ở núi Nhà Muỗi, dựa vào các hang đá nhỏ để làm việc. Bộ phận tiền phương chịu trách nhiệm theo dõi, chỉ đạo phong trào 2 chân, 3 mũi giáp công ở đồng bằng, theo dõi chỉ đạo phong trào đấu tranh ở Đà Nẵng. Bộ phận phía sau (gọi là Căn cứ A7, đứng ở ranh giới giữa huyện Đại Lộc và huyện Nam Giang) là nơi diễn ra các cuộc hội nghị, sơ kết, tổng kết và tổ chức Đại hội của Đảng bộ.

    Lúc bấy giờ nhằm chuẩn bị cho cuộc tiến công và nổi dậy Xuân Kỷ Dậu – 1969, Ban Thường vụ Đặc Khu ủy Quảng Đà chỉ đạo khắc phục khó khăn về lương thực, vận động Nhân dân, nhất là vùng Xuyên Trà, Xuyên Hiệp, Xuyên Thanh đóng góp lương thực cho cách mạng. Đồng thời, để khôi phục lại các cơ sở sản xuất ở hậu cứ, Văn phòng Đặc Khu ủy cử một bộ phận gồm 10 đồng chí tiếp tục ở lại khu vực sông Bung, huyện Nam Giang để tìm địa điểm xây dựng nơi đóng cơ quan khi cần chuyển về phía sau, tiến hành sản xuất đề phòng bất trắc có thể xẩy ra khi địch phản công đánh phá căn cứ Hòn Tàu. Vào thời điểm trồng sắn, trồng lúa và tỉa bắp, số lượng được phái về tăng thêm, có lúc lên đến trên 20 người. Trong điều kiện hết sức khẩn trương, gian khổ, vừa bám rẫy sản xuất, vừa xây dựng lán trại, vừa gùi cõng lương thực giải quyết đời sống hàng ngày.

    Đồng chí Phạm Thanh Ba nhớ lại: “Đến cuối năm, đơn vị đã hoàn thành các chỉ tiêu đề ra như: làm xong toàn bộ lán trại, hầm tránh phi pháo, phát tỉa một rẫy trồng bắp, trồng hai rẫy sắn, “cơ ngơi” tương đối ổn định. Tết năm ấy, chúng tôi về đây để vừa sản xuất vừa tổ chức cho anh em học tập tình hình nhiệm vụ mới chuẩn bị cho chiến dịch Xuân Hè 1969. Ngày 30 Tết, anh chị em cơ quan nghỉ làm rẫy và rủ nhau đi cấu cá, bắt ốc chuẩn bị bữa cơm cuối năm. Cơm nước xong, chúng tôi quây quần bên đống lửa kể chuyện về Tết và thức đến giao thừa đón nghe thơ chúc Tết của Bác qua ra đi ô. Tối hôm đó trời mưa rất to, trong căn nhà làm việc được che kín, đống lửa nổ lách tách, tỏa hơi ấm khắp căn nhà… 23 giờ 30 phút! Còn nửa tiếng nữa là đến giờ giao thừa, cái giờ khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và mới. Cái giờ mà chúng tôi hằng mong đợi để đón nhận lời thơ chúc Tết của Bác. Chúng tôi im lặng chờ đợi. Đài tiếng nói Việt Nam phát những bài ca khúc kháng chiến nghe hùng hồn và ấm áp làm sao!. Đúng giờ giao thừa, Quốc ca được cử lên trang nghiêm hùng tráng. Tất cả chúng tôi im phăng phắc như nuốt từng câu, từng chữ khi giọng Bác ấm áp hiền từ:

    Năm qua thắng lợi vẻ vang,
    Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to,
    Vì độc lập, vì tự do,
    Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào,
    Tiến lên chiến sĩ, đồng bào,
    Bắc Nam sum họp, Xuân nào vui hơn”.

    “Không biết từ bao giờ việc chờ nghe Bác Hồ đọc thơ chúc Tết và giờ giao thừa đã trở thành thói quen, thành nề nếp trong anh em chúng tôi mỗi lần Tết đến Xuân về. Và không những chỉ anh em cán bộ, chiến sĩ như chúng tôi mà đồng bào miền Nam cũng háo hức chờ đón sự kiện này. Đặc biệt đồng bào trong các khu dồn, ấp chiến lược, trong thành phố, thị xã, mặc dù bị địch phong tỏa kìm kẹp, đến giờ phút giao thừa vẫn lén nghe thơ chúc Tết của Bác. Nhiều người lấy giấy bút ra ghi lại và phổ biến cho người khác cùng nghe. Thơ chúc Tết của Bác có sức hấp dẫn kỳ lạ đối với chúng tôi, đưa đến cho chúng tôi niềm tin không gì lay chuyển nổi đối với thắng lợi của cách mạng. Bác là niềm tin, là nguồn sinh lực, động viên cổ vũ chúng tôi vượt qua bao gian khổ hy sinh để đứng vững, để chống chọi với kẻ thù và cuộc sống…” – Đồng chí Phạm Thanh Ba xúc động nhớ lại.

    Thực hiện mong ước thiêng liêng của Người “Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào quân và dân Quảng Nam, Quảng Đà cùng với Nhân dân cả nước từng bước đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam; tiến lên giải phóng hoàn toàn quê hương trong những ngày tháng Ba lịch sử.

    Đã 55 năm qua (1969-2024), kể từ lần cuối cùng được nghe Bác Hồ đọc thơ chúc Tết – Xuân Kỷ Dậu 1969. Nhưng trong ký ức của mình, đồng chí Phạm Thanh Ba không bao giờ quên giờ khắc thiêng liêng được nghe thơ chúc Tết của Bác Hồ cùng lời thơ “Tiến lên chiến sĩ, đồng bào/ Bắc – Nam sum họp xuân nào vui hơn”.

    Lê Năng Đông

    Sưu tầm và biên soạn

    Bình chọn

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây