Trang chủChính TrịPhước Sơn phát động Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số”

    Phước Sơn phát động Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số”

    Thực hiện chuyên đề toàn khóa về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh “Về ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” và thực hiện thắng lợi mục tiêu thoát khỏi tình trạng huyện nghèo vào năm 2025; sáng ngày 8/5, UBND huyện Phước Sơn và Uỷ ban MTTQVN huyện đã tổ chức lễ phát động Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”.

    Toàn cảnh Lễ phát động

    Những năm qua, huyện Phước Sơn đã thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, đời sống của người dân trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo vẫn ở mức cao, với 34,67%. Trong đó, một bộ phận nhân dân có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, thu nhập thấp nhưng chi tiêu chưa tiết kiệm, chưa tích lũy cho đầu tư phát triển.

    Tại lễ phát động, lãnh đạo huyện Phước Sơn khẳng định, “việc triển khai thực hiện cuộc vận động phải được cụ thể hóa phù hợp với tình hình thực tế, phong tục tập quán của người dân, mang lại hiệu quả thiết thực, không chạy theo thành tích. Kết quả là sản phẩm cụ thể mang lại từ sự thay đổi tích cực về nếp nghĩ, cách làm của đồng bào trong lao động sản xuất, trong đời sống sinh hoạt”.

    Theo chỉ tiêu đề ra, đến năm 2025 và năm 2030, 100% hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện được tư vấn hướng dẫn thực hiện 10 nội dung thay đổi nếp nghĩ, 10 nội dung thay đổi cách làm, bỏ dần những hủ tục lạc hậu, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước, tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững; có từ 40% hộ biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, biết chi tiêu hợp lý để tích luỹ vốn tái đầu tư sản xuất; trên 70% hộ có mức thu nhập bình quân từ 30 triệu đến 35 triệu đồng/người/năm, có mô hình sản xuất ổn định, nhà ở kiên cố và một số vật dụng thiết yếu;  có từ 10 – 15 % hộ tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS từ 4 -5%/năm, đến năm 2030 còn dưới 10%.

                                                                       Trọng Ý – Minh Phong

    Bình chọn

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

    ĐỌC NHIỀU