Trang chủChính TrịNhiều khó khăn cần tháo gỡ trong công tác giám định tư pháp

    Nhiều khó khăn cần tháo gỡ trong công tác giám định tư pháp

    Từ ngày 1/1/2018 đến hết năm 2023, các tổ chức giám định tư pháp công lập đã thực hiện giám định trên 6.800 vụ việc, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh giám định 14 vụ việc. Đây là một trong những kết quả được nêu ra trong cuộc họp Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp (Gọi tắt là Đề án 250) của tỉnh diễn ra chiều 27/3. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh – Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì cuộc họp.

    Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh – Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì cuộc họp

    Theo báo cáo tại cuộc họp, thời gian qua, hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh được các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện cơ bản đảm bảo quy định của pháp luật. Công tác củng cố, kiện toàn đội ngũ giám định viên tư pháp được chú trọng.

    Hiện nay, toàn tỉnh có 2 tổ chức giám định tư pháp công lập với 59 giám định viên tư pháp; có 20 người giám định theo vụ việc và 1 tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc. Sở Tư pháp – cơ quan thường trực của BCĐ đã tham mưu UBND tỉnh ban hành công văn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện Kết luận số 4805 ngày 10/10/2023 của Đoàn kiểm tra liên ngành – Bộ Tư pháp về giám định tư pháp tại Quảng Nam.

    Các ý kiến tại cuộc họp nêu lên nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định tư pháp hiện nay như: việc quản lý nhà nước đối với hoạt động giám định tư pháp chưa đạt hiệu quả cao do hoạt động mô hình theo ngành dọc; chưa có thông tư hướng dẫn giám định tư pháp trong một số lĩnh vực như nội vụ, giáo dục đào tạo, ngoại vụ; công tác định giá tài sản còn gặp khó, đội ngũ giám định viên, trang thiết bị, phương tiện chưa đáp ứng yêu cầu; phối hợp trong quản lý nhà nước về giám định tư pháp chưa hiệu quả…

    Chia sẻ với những khó khăn hiện nay, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh – Trưởng BCĐ đề nghị các ngành cần học tập kinh nghiệm từ các mô hình hay của các địa phương trong cả nước để áp dụng vào thực tiễn, tháo gỡ những vướng mắc trong từng lĩnh vực cụ thể. Sở Tư pháp chủ trì đề nghị các bộ, ngành tập huấn, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ về giám định tư pháp. Về đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, cần thực hiện trên tiêu chí tiết kiệm, sử dụng đa mục tiêu. Đồng thời, Sở Tư pháp tập trung nghiên cứu, tham khảo ý kiến để đề xuất chế độ chính sách với đội ngũ làm công tác giám định tư pháp.

    K.Ngân – Đ.Quang – L.Giác

    Bình chọn

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

    ĐỌC NHIỀU