Trang chủChính TrịĐoàn Giám sát của Ban Chỉ đạo Trung ương về các chương trình Mục tiêu Quốc gia làm việc với tỉnh Quảng Nam

Đoàn Giám sát của Ban Chỉ đạo Trung ương về các chương trình Mục tiêu Quốc gia làm việc với tỉnh Quảng Nam

Chiều nay 30/11, tại huyện Nam Giang, Đoàn Giám sát của Ban Chỉ đạo Trung ương về các chương trình Mục tiêu Quốc gia do đồng chí Lê Văn Thanh – Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Quảng Nam về việc giám sát, chỉ đạo thực hiện các Chương trình MTQG năm 2023 trên địa bàn tỉnh. Về phía tỉnh Quảng Nam, đồng chí Trần Anh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì buổi làm việc.

Đồng chí Lê Văn Thanh – Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội làm việc với tỉnh Quảng Nam

Theo báo cáo, đến nay tỷ lệ giải ngân chung của 03 chương trình mục tiêu Quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đạt tỷ lệ hơn 36%.

Đối với chương trình MTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỷ lệ giải ngân đạt 31,18%; số hộ được hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề là 735 hộ, đạt hơn 41%. Xóa được 512 căn nhà tạm; sắp xếp dân cư cho 576 hộ; hỗ trợ đất ở cho 350 hộ dân.

Đối với  chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, tỷ lệ giải ngân đạt 31,13%; kết quả sơ bộ đến ngày 10/11/2023, Quảng Nam giảm được 4.039 hộ nghèo, vượt 134,6% so với kế hoạch đề ra; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 7,02%.

Quang cảnh buổi làm việc chiều nay 30/11

Đối với chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ giải ngân đạt 47%; đến nay, bình quân chung số tiêu chí nông thôn mới đạt của toàn tỉnh là 15,01 tiêu chí/xã; có 123/193 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 63,73%; phấn đấu đến hết năm 2023 sẽ có 130/193 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 67,3%.

Tại buổi làm việc, tỉnh Quảng Nam kiến nghị nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện 3 chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh, trong đó có sự chưa đồng bộ, chồng chéo trong nội dung văn bản hướng dẫn của các cơ quan Trung ương; việc phân bổ vốn cho 3 chương trình còn chậm so với yêu cầu; số danh mục công trình nhiều; quy trình thủ tục hồ sơ phức tạp, kéo dài; nguồn nhân lực cán bộ còn thiếu và yếu dẫn đến quá tải trong công tác thẩm định hồ sơ.

Xuân Lam

Bình chọn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

ĐỌC NHIỀU