Trang chủChính TrịChất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 18: tìm giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của Quảng Nam

Chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 18: tìm giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của Quảng Nam

Chiều nay 07/12, kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh khóa X tiếp tục, trong đó tâm điểm là hoạt động thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn nhằm tìm ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của Quảng Nam trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Phiên làm việc chiều nay được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên sóng của Đài Phát thanh – truyền hình Quảng Nam (QRT) để cử tri và nhân dân cả tỉnh theo dõi, giám sát.

Ông Trình Minh Đức – Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Thư ký kỳ họp trình bày tóm tắt báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận ở các Tổ

Bắt đầu chương trình nghị sự chiều nay, ông Trình Minh Đức – Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Thư ký kỳ họp trình bày tóm tắt báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận ở các Tổ. Theo đó, trong ngày hôm qua và buổi sáng nay, các đại biểu đã đóng góp 65 lượt ý kiến chất lượng, trong đó có 53 lượt phát biểu tại tổ và 12 phiếu góp ý. Hầu các ý kiến tập trung nhận định và phân tích tình hình, đưa ra các giải pháp để thúc đẩy kinh tế -xã hội trên địa bàn phát triển toàn diện trong năm 2024. Theo đó, đại biểu đề nghị UBND tỉnh cần quyết liệt giải quyết tháo gỡ vướng mắc về giá đất, tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư.

Để đạt được tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2024 từ 7,5 – 8%, tỉnh nên kiến nghị các bộ, ngành trung ương có cơ chế hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô, tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến lĩnh vực đầu tư, xây dựng, giải ngân đầu tư công, thủ tục đất đai…. nhằm thúc đẩy phát triển KTXH. Nhiều đại biểu cũng đề cập đến các nghị quyết trên lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn chưa hiệu quả như kỳ vọng, cần có chính sách ưu đãi thu hút đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là hạ tầng, bởi nông nghiệp có tác động, ảnh hưởng đến đa số người dân của tỉnh, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Qua thảo luận tại tổ, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến hoạt động ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ, xây dựng, công tác bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng, tài nguyên và môi trường, văn hóa xã hội, lao động, việc làm, giảm nghèo và nhiều vấn đề liên quan khác.

Bà Trần Thị Kim Hoa – Giám đốc Sở Nội vụ phát biểu tại cuộc họp

Trước khi bước vào nội dung chất vấn và trả lời chất vấn, bà Trần Thị Kim Hoa – Giám đốc Sở Nội vụ báo cáo kết quả thực hiện các giải pháp cải thiện Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), Chỉ số hài lòng (SIPAS) trong thời gian qua; chỉ ra nguyên nhân tụt hạng, giảm điểm gắn với trách nhiệm các cấp, các ngành và kiến nghị giải pháp khắc phục.

Trong báo cáo, Giám đốc Sở Nội vụ cũng phân tích việc thực hiện các nội dung liên quan đến công tác cải cách thủ tục hành chính tại Nghị quyết số 27 ngày 20/7/2022 về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Bà Trần Thị Kim Hoa cho biết, tổng số thủ tục hành chính đang thực hiện trên địa bàn tỉnh là 1817 thủ tục, trong đó cấp tỉnh 1.453 thủ tục, cấp huyện 303 thủ tục, cấp xã 162 thủ tục. Các thủ tục hành chính đã được cập nhật, công bố, công khai, minh bạch trên Cổng dịch vụ công tỉnh và trên môi trường điện tử, sử dụng đầy đủ các tính năng của hệ thống một cửa điện tử để thực hiện xử lý hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính. Tuy nhiên, việc giải quyết các thủ tục hành chính yếu kém thể hiện ở tất cả các chỉ số. Công tác xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về thủ tục hành chính không kịp thời, mức độ hài lòng của người đi làm thủ tục hành chính chưa cao, phải đi lại nhiều lần.

Chất vấn vị Giám đốc Sở Nội vụ, các đại biểu đề cập đến chỉ số hài lòng của người dân (SIPAS) liên tục sụt giảm từ năm 2020 đến nay, giải pháp nào để cải thiện chỉ số này, nhiều thủ tục hành chính phát sinh, rườm rà gây khó khăn cho người dân  cần chỉ rõ trách nhiệm người đứng đầu, của cơ quan đơn vị để khắc phục tình trạng này.

Bà Trần Thị Kim Hoa cũng nêu quyết tâm cải thiện những tiêu chí có điểm số, thứ hạng còn thấp đối với Chỉ số SIPAS như: nhóm tiêu chí về ban hành, tổ chức thực hiện chính sách, tiêu chí về việc cung ứng dịch vụ hành chính và tiếp cận dịch vụ. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm những hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; nêu cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Báo cáo tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, ông Nguyễn Quang Thử – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, công tác giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công một số dự án đạt tỷ lệ rất thấp.

Theo số liệu Kho bạc Nhà nước tỉnh, tính đến hết ngày 30/11/2023, vốn đầu công, không bao gồm các dự án do Trung ương quản lý đã giải ngân hơn 5.476 tỷ đồng, đạt 54,6% so tổng vốn đầu tư công năm 2023 sau điều chỉnh, thấp hơn so với mặt bằng chung cả nước đến 59,5%.

Ông Nguyễn Quang Thử cho rằng: “Quy mô vốn đầu tư công năm 2023 tăng khoảng 28,7% so với năm 2022, trong khi đó các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài giải ngân chậm do các thủ tục đầu tư dự án cũng như việc xử lý hồ sơ giải ngân của nhà tài trợ rất chậm, nhiều công trình ở vùng sâu, vùng xa và đa số các hạng mục công việc phải đấu thầu qua mạng nên mất nhiều thời gian”.

Một số dự án không lường hết các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai lập dự án, thiết kế nên phải điều chỉnh, bổ sung dự án, thiết kế cho phù hợp với thực tế; công tác thẩm định dự án, thẩm định thiết kế kỹ thuật, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường phức tạp, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án. Một số chủ đầu tư thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư chậm dẫn đến việc phân bổ vốn chậm, ảnh hưởng đến việc giải ngân vốn đầu tư trong năm.

Trước chất vấn của đại biểu về việc giải ngân vốn vay nước ngoài để nâng cao hiệu quả cũng như công tác đấu thầu còn nhiều bất cập…, ông Nguyễn Quang Thử cho rằng, thực hiện công tác bồi thường GPMB chậm, không hoàn ứng, thanh quyết toán dự án đúng thời gian quy định làm ảnh hưởng đến công tác giải ngân. Trong trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.

Cuối buổi chiều, đại diện UBND tỉnh báo cáo những giải pháp tháo gỡ những khó khăn hiện nay trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 07 ngày 13/01/2021 của HĐND tỉnh về đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp tại 9 huyện miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 – 2026 đảm bảo tiến độ Nghị quyết đề ra. Đồng thời phân tích thực trạng công tác phối hợp giữa Sở Tài nguyên và Môi trường với các cơ quan liên quan trong việc kết nối, chia sẻ, cung cấp thông tin, dữ liệu sản phẩm đo đạc đất đai, phục vụ giải quyết thủ tục hành chính đất đai trên môi trường điện tử nói riêng và công tác quản lý nhà nước về đất đai nói chung trên địa bàn thời gian qua, nguyên nhân và giải pháp khắc phục thời gian đến.

Tấn Châu – Quốc Thành

Bình chọn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

ĐỌC NHIỀU