Tối 27/9, xã Cẩm Thanh (TP.Hội An) tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm đồng khởi giải phóng Cẩm Thanh (27/9/1964 – 27/9/2024).
Diễn văn buổi lễ ôn lại: đúng 0 giờ ngày 27/9/1964, sau tiếng súng phát lệnh khai hỏa của chỉ huy, dòng người tay lăm lăm “súng bẹ dừa” và lựu đạn giả đã tràn vào cơ quan hành chính xã khiến toàn bộ binh lính và bộ máy hành chính của địch đầu hàng quần chúng cách mạng.
Đêm đồng khởi Cẩm Thanh là một trang sử hào hùng, tạo nên bước ngoặt phát triển cả thế và lực cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân Hội An sau một quãng thời gian dài 10 năm chìm đắm trong bao đau thương, thách thức.
Nhờ địa thế hiểm trở, Cẩm Thanh đã trở thành căn cứ địa cách mạng vững chắc và là nơi đóng sở chỉ huy tiền phương của Thị ủy Hội An lúc bấy giờ gắn liền với các địa danh “Rừng dừa bảy mẫu”, “Vườn xã Tiếp”.
Qua các cuộc kháng chiến, trên địa bàn xã có 719 liệt sĩ, gần 200 thương bệnh binh, 183 Mẹ Việt Nam anh hùng, 10 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 1994, cán bộ, quân và dân Cẩm Thanh được Chủ tịch nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Sau chiến tranh, Cẩm Thanh là vùng đất tiêu điều và phần lớn người dân thường xuyên phải nhận trợ cấp cứu đói từ chính quyền địa phương, nhưng đến nay đã trở thành vùng đất phát triển sôi động. Chất lượng đời sống người dân ngày càng nâng cao. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch dịch vụ trên địa bàn xã năm 2023 đạt 465 tỷ đồng, toàn xã chỉ còn 5 hộ nghèo diện bảo trợ xã hội, 7 hộ cận nghèo.
Dịp này, đại diện lãnh đạo Sở VH-TT&DL trao bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với nghề làm nhà tre, dừa xã Cẩm Thanh.
Đây là sự tôn vinh và ghi nhận những đóng góp của cộng đồng cư dân về quá trình gìn giữ, phát triển nghề làm nhà tre, dừa Cẩm Thanh. Đồng thời cũng là cơ sở pháp lý quan trọng để Hội An bảo vệ và phát huy tốt hơn nghề làm nhà tre, dừa Cẩm Thanh nói riêng, nghề truyền thống ở địa phương nói chung.
Hiền Viên – Kim Huệ – Phúc Lâm