Trang chủDu lịchHội nghị giao ban doanh nghiệp du lịch năm 2024

Hội nghị giao ban doanh nghiệp du lịch năm 2024

Sáng ngày 20/12, gần 100 đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp du lịch và các địa phương ở Quảng Nam tham dự hội nghị giao ban doanh nghiệp du lịch năm 2024.  Hội nghị do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Thái Bình chủ trì. 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Thái Bình chủ trì hội nghị

Thông tin từ hội nghị giao ban cho biết: năm 2024, chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh cùng với những giải thưởng du lịch danh giá được các tổ chức quốc tế trao tặng là những yếu tố giúp lượng khách quốc tế đến Quảng Nam ngày càng tăng.

Theo đó, tổng lượt khách tham quan, lưu trú ước trên 8 triệu lượt khách, tăng 14% so với năm 2023, vượt 6% so với kế hoạch. Trong đó khách quốc tế trên 5,5 triệu lượt, tăng 20% so năm 2023 và vượt 8% so với kế hoạch, khách nội địa trên 2,5 triệu lượt, tăng 7% so với năm 2023 và vượt 1% so với kế hoạch. Doanh thu từ tham quan, lưu trú du lịch ước đạt 9.200 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 21.620 tỷ đồng.

10 thị trường khách quốc tế lưu trú tại Quảng Nam cao nhất năm 2024 hiện đang là: Hàn Quốc, Đài Loan-Trung Quốc, Úc, Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Malaysia, Tây Ban Nha…

Du lịch Quảng Nam, điển hình là du lịch Hội An, Mỹ Sơn đã có thương hiệu trên trường quốc tế với nhiều giải thưởng du lịch uy tín thế giới, là điểm đến ấn tượng và an toàn, bước đầu tạo dựng được thương hiệu “Quảng Nam – Điểm đến du lịch xanh”.

Theo nhiều đại biểu, kết quả hoạt động du lịch năm 2024 cho thấy sự phục hồi ngoạn mục của Ngành Du lịch sau gián đoạn vì dịch bệnh. Với sự thay đổi lớn về hoạt động du lịch sau đại dịch, định hướng phát triển du lịch xanh và bền vững của Quảng Nam cũng đã khẳng định hướng đi đúng đắn của tỉnh và sự vào cuộc của doanh nghiệp và cộng đồng địa phương…

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam Phan Thái Bình phát biểu tại hội nghị

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam Phan Thái Bình, kết quả này cần được tiếp tục được phát huy trên cơ sở thúc đẩy hợp tác, liên kết các điểm đến. Thông qua các sản phẩm du lịch mới, lồng ghép các chương trình OCOP, nông thôn mới, thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn… Từ hạt nhân là các điểm đến thương hiệu của hai Di sản Văn hóa Thế giới Hội An, Mỹ Sơn và Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, những sản phẩm du lịch lan tỏa và sự kết nối về hạ tầng ngày càng được hoàn thiện cần phải được vận dụng để mở rộng không gian du lịch, tạo điều kiện để các địa phương, cộng đồng, tham gia sâu vào các hoạt động du lịch, thông qua những mô hình, sản phẩm du lịch chuyên nghiệp, bản sắc, liên kết vùng…

Cùng với cơ hội, du lịch Quảng Nam 2025 cũng đối diện với thách thức lớn, là sự cạnh tranh giữa các điểm đến của các nước trong khu vực và các điểm đến ở các tỉnh trong cả nước và các tỉnh Duyên hải miền Trung về giá cả, sản phẩm du lịch tương đồng. Các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh du lịch cũng phải cùng nhau chia sẻ, tháo gỡ và tìm ra những giải pháp phù hợp, hiệu quả… Đây cũng là chỉ đạo, đi liền với khẳng định của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Thái Bình về việc tiếp tục đồng hành, tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp du lịch hòa cùng với xu hướng phát triển bền vững của du lịch Quảng Nam.

                                                           Hiền Viên – Trung Hiếu

Bình chọn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

ĐỌC NHIỀU