Trang chủPhóng sựTấm lòng của một thương binh

    Tấm lòng của một thương binh

    Ở xã Tam Giang (Núi Thành), rất nhiều người biết đến ông Phạm Văn Nhì (73 tuổi, là thương binh loại 4/4) vì ông có tấm lòng nhiệt thành xây dựng quê hương và giúp đỡ bà con hàng xóm.
    Tuổi đã cao nhưng ông Nhì vẫn rất nhiệt tình với công tác địa phương. Ảnh: VĂN PHIN
    Tuổi đã cao nhưng ông Nhì vẫn rất nhiệt tình với công tác địa phương. Ảnh: VĂN PHIN

    Ông Phạm Văn Quyện – nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành (quê xã Tam Giang) kể: “Một lần thấy các thuyền viên trên tàu cá vứt vỏ lon bừa bãi, ông Nhì liền vận động các anh thu gom lại một chỗ, rồi mang bao tải đến từng tàu cá để thuyền viên bỏ vào. Cứ thế, sau mỗi chuyến biển, ông đến thu nhặt vỏ lon bán để lấy tiền giúp những hộ khó khăn, học sinh nghèo”. Câu chuyện của ông Quyện là một trong rất nhiều việc làm thể hiện tấm lòng nhân ái và tinh thần nhiệt tình góp sức xây dựng quê hương của thương binh Phạm Văn Nhì.

    Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo Diêm Trường – Tam Giang, năm 1964, ông Nhì (hiện ở thôn Đông Xuân, xã Tam Giang) thoát ly theo cách mạng, vào bộ đội và đã ghi nhiều chiến công. Trong một trận đánh, ông bị thương ở chiến trường, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác. Sau ngày giải phóng, ông chuyển công tác qua ngành tuyên giáo và kinh qua nhiều chức vụ trong công tác xây dựng Đảng ở huyện Núi Thành. Khi về hưu năm 1990, ông tiếp tục tham gia công tác ở địa phương Tam Giang. Ông Nhì tâm sự: “Về hưu đúng ra là nghỉ ngơi, nhưng thấy địa phương còn nhiều khó khăn, cần có cán bộ chia sẻ công việc, tôi tiếp tục góp sức mình xây dựng quê hương. Từ khi về hưu năm 1990 đến nay, tôi đã trải qua 29 năm liên tục giữ các cương vị công tác khác nhau tại xã Tam Giang. Tôi nghĩ, mình còn sức còn đóng góp xây dựng quê nhà”.

    Là một thương binh nặng, dáng người gầy gò, nhưng ông Nhì rất sốt sắng trong công việc. Ở vị trí công tác nào, ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và được quần chúng tin yêu. Với vai trò Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã, ông kịp thời tham mưu đảng bộ, chính quyền giải quyết các chế độ, chính sách cho người cao tuổi, đặc biệt là quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên; hằng năm, riêng bản thân ông vận động từ 40 – 50 suất quà, mỗi suất 500 nghìn đồng tặng người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn. Trong vị trí là Phó Bí thư Chi bộ – Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Đông Xuân, ông Nhì góp phần quan trọng trong việc xây dựng thôn đạt chuẩn “Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu” đầu tiên ở huyện Núi Thành. Bản thân ông nêu gương động viên gia đình hiến 200m2 đất (trị giá khoảng 200 triệu đồng) để xây dựng công trình nông thôn mới. Tiếp đó, bản thân ông Nhì trực tiếp vận động thêm 16 hộ dân hiến 250m2 đất để xây dựng thiết chế văn hóa thôn. Ngoài ra, ông Nhì cùng các đoàn thể trong thôn vận động 69 hộ dân dọc 2 bên đường giao thông tháo dỡ tường rào, cổng ngõ, mở rộng lòng đường. Trong vai trò là Chi hội trưởng Chữ thập đỏ thôn Đông Xuân, ông Nhì vận động xây dựng “Hủ gạo tình thương”, “Đồng tiền nhân đạo”, qua 10 năm (2008 – 2018) đã vận động được 59,6 triệu đồng, cứu trợ cho 225 lượt người trong khu dân cư, trong đó cứu trợ 3 tàu câu mực bị cháy 12 triệu đồng… Theo nhận xét của ông Huỳnh Văn Côi – Bí thư Đảng ủy xã Tam Giang, là thương binh nặng, tuổi cao nhưng ông Nhì luôn xông pha, hết lòng vì công việc địa phương. Tấm lòng đối với quê hương, làng xóm của ông rất đáng được trân trọng, tôn vinh.

    Nguồn: baoquangnam.vn

     

     

    Bình chọn

    ĐỌC NHIỀU