Thiệt hại gần 2.000 tỷ đồng do thiên tai năm 2021 và mưa lớn đầu năm 2022. Đó là con số được đưa ra tại cuộc họp trực tuyến tổng kết công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2021 và 8 tháng đầu năm 2022 được UBND tỉnh tổ chức vào chiều ngày 6.9, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu. Hội nghị có sự tham dự của đại diện các sở, ban ngành và kết nối trực tuyến đến các điểm cầu huyện, thị xã, thành phố.
Theo báo cáo tại buổi làm việc, trong năm 2021, Quảng Nam bị ảnh hưởng của 10 đợt thiên tai, đã làm 3 người chết, 15 người bị thương, thiệt hại nhiều nhà ở, hơn 4.300 ha lúa bị thiệt hại từ 30% trở lên, hơn 5.200 ha mạ và hoa màu bị thiệt hại trên 70%. Ước tính thiệt hại các đợt khoảng 980 tỷ đồng. Riêng 8 tháng đầu năm 2022, do ảnh hưởng đợt mưa lớn trái mùa từ ngày 30.3 đến 4.4 đã gây thiệt hại về người, nhà ở, sản xuất nông nghiệp với ước tính tổng thiệt hại hơn 1000 tỷ đồng. Về kết quả triển khai công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn 2022, đến nay mới có 10/18 địa phương xây dựng, phê duyệt và gửi kế hoạch phòng chống thiên tai giai đoạn 2021-2025 cấp huyện; 4/18 địa phương rà soát, cập nhật và gửi phương án ứng phó thiên tai theo các cấp độ rủi ro năm 2022 cấp huyện.
Nhiều tồn tại, vướng mắc cũng đã được các sở, ngành, địa phương kiến nghị, từ đó hoàn thiện, điều chỉnh phương án ứng phó thiên tai trên toàn tỉnh, khắc phục những điểm thiếu sót, hạn chế, nhất là trong công tác báo cáo, tổng hợp tình hình thiệt hại do thiên tai, báo cáo phân bổ, giải ngân kinh phí khắc phục.
Trên cơ sở nhận định tình hình thiên tai từ nay đến cuối năm 2022 hết sức phức tạp, diễn biến khó lường; để chủ động phòng ngừa, ứng phó hiệu quả với diễn biến bất thường của thiên tai trong thời gian tới, nhất là tình huống mưa lũ lớn kéo dài, bão mạnh, lũ quét, sạt lở đất…Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu yêu cầu Ban chỉ đạo PCTT&TKCN cần tập trung, chủ động, nắm thông tin nhanh, kịp thời, nhưng phải đảm bảo chính xác. Đối với phương án ứng phó thiên tai theo từng cấp độ, đồng chí Hồ Quang Bửu yêu cầu các địa phương phát huy tính chủ động, nâng cao năng lực ứng phó trong mọi tình huống, kể cả tắt đường, cô lập ở miền núi, giảm bớt thiệt hại về người và của do thiên tai gây ra.
Dương Oanh – Trần Chiến