Trong những năm gần đây, Phước Lộc – xã vùng cao của huyện Phước Sơn, đã chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ trong cách tiếp cận phát triển kinh tế nhờ vào mô hình trồng cây đảng sâm. Được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp, Phước Lộc có tiềm năng phát triển các loại dược liệu quý như sa nhân, ba kích và đặc biệt là đảng sâm, một loại cây dược liệu có giá trị kinh tế cao.
Thực hiện mô hình và những kết quả bước đầu
Năm 2023, triển khai thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” theo Chỉ thị số 27-CT/HU, ngày 09/02/2023 của Huyện ủy Phước Sơn, xã Phước Lộc phối hợp của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội trên địa bàn thực hiện mô hình “Trồng cây Đảng sâm” như một phần của phong trào “Đoàn kết sáng tạo” và cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Mô hình này thu hút sự tham gia của 20 hộ dân, trong đó có 19 hộ thuộc diện hộ nghèo, giúp thay đổi tập quán sản xuất và nâng cao nhận thức của bà con về áp dụng khoa học kỹ thuật.
Ban đầu, các hộ tham gia mô hình được tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây đảng sâm, đồng thời tham quan các mô hình trồng cây tương tự tại Nam Trà My. Sự hỗ trợ từ các tổ chức chính trị – xã hội đã giúp người dân nắm vững kỹ thuật và cách thức chăm sóc, sử dụng công cụ, máy móc để cải thiện năng suất.
Qua hơn một năm triển khai, diện tích trồng đảng sâm tại Phước Lộc đạt gần 9 ha, tương đương 99.000 gốc, cây sinh trưởng tốt và dự kiến thu hoạch trong cuối năm 2025. Theo tính toán, sau 2 năm trồng, các hộ dân có thể thu về khoảng 10.000kg đảng sâm tươi. Với giá bán hiện tại từ 80.000đ – 150.000đ/kg, cây đảng sâm hứa hẹn trở thành nguồn thu chính giúp bà con thoát nghèo và tiến đến làm giàu bền vững.
Khó khăn và giải pháp trong triển khai mô hình
Theo ông Lưu Huyền Thoại, Chủ tịch UBND xã Phước Lộc, thời gian qua, xã Phước Lộc đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của việc phát triển và sử dụng dược liệu gắn với triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số của xã vươn lên thoát nghèo bền vững. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc cây sâm dây; hỗ trợ giống cho các hộ triển khai thực hiện. Tuy nhiên việc triển khai thực hiện trồng cây đảng sâm cũng đối mặt với không ít khó khăn như đất khô cằn, thời tiết khắc nghiệt với các đợt nắng nóng kéo dài đã ảnh hưởng đến sự phát triển của cây. Ngoài ra, nguồn nước tưới hạn chế vào mùa khô cũng là một thách thức lớn cho việc chăm sóc và phát triển cây đảng sâm”.
Để khắc phục các khó khăn này, ông Thoại cho biết thêm, xã Phước Lộc đang đẩy mạnh các giải pháp như tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ nguồn nước, xây dựng bể chứa nước tại các vị trí phù hợp và hỗ trợ các hộ dân áp dụng kỹ thuật tiết kiệm nước. Vận động nhân dân trồng thêm cây sắn để tạo độ bóng mát cho cây đảng sâm phát triển, nhất là trong mùa nắng nóng, tăng cường công tác hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc, trong đó, chú trọng công tác cải tạo đất. Phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam xã và các tổ chức chính trị xã hội xã tích cực huy động các nguồn hỗ trợ để mở rộng và duy trì mô hình.
Mô hình trồng cây đảng sâm không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số tại Phước Lộc. Dự kiến đến năm 2030, xã Phước Lộc sẽ phát triển thành vùng dược liệu trọng điểm của huyện Phước Sơn, với đảng sâm là sản phẩm chủ lực.
Ông Hồ Văn Đoàn, một hộ dân điển hình với hơn 5000 cây đảng sâm tại Thôn 2, xã Phước Lộc, chia sẻ về phong trào trồng cây đảng sâm: “Đây không chỉ là cách phát triển kinh tế mà còn là sự thay đổi trong nếp nghĩ, cách làm, giúp dân làng không còn phụ thuộc vào sự hỗ trợ mà tự tin hơn trong phát triển kinh tế”.
Ông Đoàn kỳ vọng chính quyền tiếp tục quan tâm, hỗ trợ trong việc tiêu thụ sản phẩm và mở rộng đầu ra cho cây đảng sâm. Ngoài ra, ông mong muốn chính quyền và các cơ quan chức năng tiếp tục cung cấp hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ đầu tư hệ thống tưới nước để giảm bớt khó khăn trong mùa khô.
Bà Hồ Thị Hiền, một hộ nghèo tham gia mô hình chia sẽ: “Gia đình tôi thật sự rất biết ơn chính quyền địa phương và các tổ chức đã đưa mô hình trồng cây đảng sâm về với bà con ở đây. Trước kia, cuộc sống khó khăn khiến tôi chỉ biết dựa vào nương rẫy với những phương pháp canh tác truyền thống. Giờ đây, nhờ tham gia mô hình, tôi không chỉ học được cách trồng và chăm sóc cây đảng sâm mà còn nhận ra rằng mình hoàn toàn có thể tự vươn lên, không phải trông chờ mãi vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Qua một năm, những gốc đảng sâm của gia đình đã phát triển tốt, hứa hẹn mang lại thu nhập ổn định. Điều này không chỉ là niềm hy vọng thoát nghèo của gia đình tôi mà còn giúp bà con có thêm động lực để thay đổi cách nghĩ, cách làm. Chúng tôi rất mong chính quyền tiếp tục tạo điều kiện, nhân rộng những mô hình kinh tế mới, sáng tạo để người dân có cơ hội phát triển kinh tế bền vững, nâng cao đời sống”.
Việc nhân rộng mô hình này và phát huy phong trào “Đoàn kết sáng tạo” sẽ không chỉ góp phần thực hiện hiệu quả các chương trình MTQG tại địa phương, nâng cao đời sống kinh tế mà còn tạo động lực để bà con chung tay xây dựng quê hương giàu đẹp.
Phạm Thanh Tuấn