Sáng ngày 08.2, Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng và ông Dương Văn Phước – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã chủ trì buổi làm việc với huyện Đại Lộc về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn. Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan ở tỉnh.
Toàn huyện Đại Lộc có 58 trường học, gồm: 21 trường mầm non, mẫu giáo, 16 trường tiểu học, 13 trường THCS, 4 trường tiểu học và trung học cơ sở, 4 trường Trung học phổ thông. Có 43/56 trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia, chiếm 76,78%. Về công tác kiểm định chất lượng giáo dục có 47/56 trường được Sở GDĐT công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục chiếm tỷ lệ gần 84%. Về công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tiếp tục được huyện duy trì thành quả công tác phổ cập giáo dục mức độ 3, xóa mù chữ mức độ 2.
Báo cáo tại buổi giám sát, ý kiến của đại biểu đã nêu ra cụ thể những mặt được và còn hạn chế trong quá trình thực hiện của từng năm học là: Năm học 2020-2021 năm đầu tiên thực hiện chương trình sách giáo khoa mới 2018, ban đầu địa phương cũng gặp một số khó khăn trong việc lựa chọn sách giáo khoa ở các trường học cũng như việc mua sách của cha mẹ học sinh. Cũng trong năm học này, Bộ GDĐT đã ban hành nhiều quyết định phê duyệt sách giáo khoa qua nhiều đợt, nhiều bộ sách, gây lúng túng cho các đơn vị, các nhà trường trong việc lựa chọn sách.
Từ năm học 2021-2022, đến nay việc lựa chọn sách giáo khoa ở các trường học cũng như việc mua sách của cha mẹ học sinh đã tương đối thuận lợi và đảm bảo kịp thời do Bộ GDĐT đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn mới. Về tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa cho địa phương, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành các quyết định giúp các đơn vị thuận lợi trong việc lựa chọn sách cho mỗi lớp vào đầu năm học; thành lập các hội đồng lựa chọn sách giáo khoa mỗi năm học; tổ chức biên soạn tài liệu giáo dục địa phương các lớp kịp thời để thực hiện chương trình. Đặc biệt thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện; tổ chức tổng kết 01 năm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đánh giá cụ thể những mặt đã đạt được, chỉ ra những tồn tại hạn chế, đưa ra những giải pháp khắc phục nhằm thực hiện tốt chương trình, sách giáo khoa mới theo lộ trình đến năm học 2024-2025.
Có thể nói Chương trình GDPT 2018 được thiết kế trên cơ sở thực hiện dạy học 2 buổi/ngày nên phù hợp với điều kiện dạy học đối với các cơ sở giáo dục dạy 2 buổi/ngày. Chương trình GDPT 2018 có nhiều thay đổi nâng cao hơn nhưng chương trình cấp Mầm non thì chưa thay đổi, chưa sẵn sàng đáp ứng được yêu cầu làm quen trước khi chuyển qua giai đoạn học tập ở bậc tiểu học. Một số môn như Giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp gặp khó khăn do giáo viên chưa được đào tạo, bồi dưỡng đủ điều kiện để giảng dạy.
Ly Lan – Quốc Thành