Ngày 27.1 (mùng 6 Tết Nguyên Đán), nhiều lễ hội truyền thống đã chính thức khai hội trên khắp cả nước phục vụ nhu cầu tâm linh của các tầng lớp nhân dân, thu hút du khách thập phương.
Khai mạc Lễ hội Đền Hai Bà Trưng
Tại khu di tích quốc gia đặc biệt Đền Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh, Hà Nội, Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã tham dự Lễ kỷ niệm 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Khai mạc Lễ hội Đền Hai Bà Trưng. Lễ hội là hoạt động văn hóa tâm linh nhằm tưởng nhớ, tri ân công đức của hai vị anh hùng dân tộc Trưng Trắc và Trưng Nhị, cùng các tướng lĩnh lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đánh đổ ách thống trị của nhà Đông Hán, giành lại nền độc lập dân tộc vào những năm 40 – 43 sau Công nguyên.
Khai hội chùa Hương
Trong thời tiết giá lạnh nhưng trong ngày khai hội chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội), hàng chục nghìn người đổ về đây đi lễ đầu năm. Đây là lễ hội dài nhất miền Bắc với 3 tháng hoạt động. Lễ hội năm 2023 có chủ đề “Lễ hội chùa Hương an toàn, văn minh, thân thiện”. Điểm đổi mới năm nay đó là hình thức bán vé tham quan, xuồng đò từ truyền thống sang mô hình bán vé điện tử. Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn mở cửa đón khách từ 30 tháng Chạp. .
Khai hội chùa Bái Đính
Lễ hội chùa Bái Đính là một trong các lễ hội lớn nhất miền Bắc vào những ngày đầu xuân năm 2023. Ý nghĩa Lễ hội chùa Bái Đính cầu cho quốc thái dân an, thế giới hoà bình, người dân ấm no hạnh phúc. Ban tổ chức cho biết đã tính toán các phương án để tránh tình trạng ùn tắc, không đốt vàng mã, để có mùa lễ hội an toàn, văn hoá, văn minh. Lễ hội chùa Bái Đính sẽ kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch.
Đặc sắc Lễ hội đền Gióng
Lễ hội đền Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội) đã diễn ra sáng mùng 6 âm lịch với sự tham gia của hàng nghìn du khách. Trong lễ hội có kiệu “Tướng bà” được bảo vệ nghiêm ngặt tránh tình trạng bắt cóc. Lễ vật trầu cau sau khi lễ xong rước xuống đền Mẫu lễ tạ và chia lộc. Lực lượng công an đảm bảo an ninh để không xảy ra tình trạng tranh cướp lộc như mọi năm. Lễ hội kéo dài hết tháng Giêng.
Điểm mới trong Lễ hội làng Ném Thượng Ngày 27/1, dưới góc sân đình làng Ném Thượng,TP Bắc Ninh đã diễn ra nghi thức chém lợn tế thánh trong phòng kín. Điều này góp phần giảm đi sự phản cảm, đồng thời gìn giữ được những tập tục truyền thống của xứ Kinh Bắc cổ xưa. Năm nay lễ hội làng Ném Thượng vẫn duy trì các nghi thức truyền thống nhưng bảo đảm thực hiện theo nếp sống văn minh. Lễ hội làng Ném Thượng có lịch sử hơn 800 năm. Từ năm 1999, lễ hội được khôi phục và tổ chức đều đặn hàng năm vào mùng 5 và 6 tháng Giêng âm lịch.
Theo TTXVN