Những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát việc triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển giáo dục và đào tạo đối với vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực đã đạt được, đội ngũ viên chức ngành giáo dục công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn vẫn còn thiếu về số lượng, chất lượng chưa cao.
Tổng số giáo viên ở miền núi Quảng Nam hiện nay là 5.060 người (trong đó, bậc mầm non 1.179 giáo viên, tiểu học 1.956 giáo viên, THCS 1.394 giáo viên và THPT 531 giáo viên). Số giáo viên miền núi còn thiếu là 873 giáo viên (mầm non thiếu 363 giáo viên, tiểu học thiếu 277 giáo viên, THCS thiếu 156 giáo viên và THPT thiếu 77 giáo viên).
Nguyên nhân là những năm gần đây, số viên chức giáo viên tuyển dụng được còn thiếu so với nhu cầu, đặc biệt đối với giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học. Trong 3 năm từ năm 2020 đến năm 2022, tỉnh ta có 4.464 chỉ tiêu tuyển dụng viên chức giáo viên nhưng mới có 2.531 giáo viên trúng tuyển.
Do yêu cầu trình độ giáo viên cao hơn so với Luật Giáo dục trước đây, nhiều thí sinh đã tốt nghiệp trước đây không đáp ứng yêu cầu về trình độ đào tạo nên không đủ điều kiện dự tuyển. Bên cạnh đó, do điều kiện về kinh tế – xã hội còn nhiều khó khăn nên các địa phương miền núi chưa thu hút được giáo viên đăng ký dự tuyển.
Nhiều giáo viên, nhân viên sau khi công tác ở miền núi được một thời gian thì xin thôi việc hoặc đăng ký tuyển dụng về các địa phương thuận lợi hơn; một số giáo viên có gia đình ở xa địa phương công tác, tư tưởng chưa ổn định, có nguyện vọng được chuyển công tác để đoàn tụ gia đình.
Ly Lan – Phước Trịnh