Sáng 19/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và kết nối trực tuyến đến 63 điểm cầu các địa phương trên cả nước.
Dự hội nghị có Thủ tướng Phạm Minh Chính, đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương. Tham dự tại điểm cầu Quảng Nam có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn và đại diện các sở, ban, ngành liên quan.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định, hội nghị tổng kết năm học 2023 – 2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024 – 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và tính lan tỏa sâu rộng. Vì vậy mong muốn nhận được các kiến góp ý, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm đã làm được của các địa phương, trên cơ sở đó tham gia đóng góp các giải pháp để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học 2024 – 2025 và các nhiệm vụ, trọng trách của ngành Giáo dục được Đảng và Nhà nước giao phó.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đã trình bày báo cáo tổng kết năm học 2023-2024, trong đó nhấn mạnh một số kết quả nổi bật đạt được trong năm học qua. Theo đó chương trình giáo dục phổ thông 2018 thực hiện đối với 9/12 khối lớp đúng lộ trình, bảo đảm chất lượng, chuẩn bị tốt cho việc triển khai đối với lớp 5, 9 và 12 từ năm học 2024-2025.
Chủ trương “một chương trình, nhiều SGK” đã phát huy hiệu quả đối với việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, khắc phục cơ bản dạy học và kiểm tra theo cách truyền thụ kiến thức, bám sát nội dung SGK.
Khó khăn, vướng mắc trong việc phân công giáo viên và tổ chức dạy học các môn học mới đã cơ bản được tháo gỡ; chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn tiếp tục được nâng lên; tự chủ đại học từng bước đi vào thực chất; nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục,…
Về phương hướng, nhiệm vụ trong năm học mới 2024-2025, hội nghị đã đề ra 12 nhiệm vụ trọng tâm, tiêu biểu như: triển khai Kết luận số 91 ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW; đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng; phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục bảo đảm đủ số lượng và nâng cao về chất lượng; sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo; tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục; đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo;…
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân cả nước, nhất là sự nỗ lực của toàn ngành Giáo dục trong việc thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, tạo bứt phá; đồng thời nêu 10 điểm sáng nổi bật năm học 2023-2024, thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm, quyết tâm, nỗ lực của toàn ngành, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước.
Nhấn mạnh, giáo dục đào tạo cần phải được quan tâm đúng mức để tạo động lực thúc đẩy phát triển đất nước nhanh và bền vững và nhắc lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với giáo dục, đào tạo, Thủ tướng phân tích và yêu cầu tổ chức thực hiện hiệu quả phương châm: “Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, chủ thể; Thầy cô giáo là động lực; Nhà trường làm bệ đỡ; Gia đình là điểm tựa; Xã hội là nền tảng”.
Trước thềm năm học mới 2024-2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc toàn thể đội ngũ cán bộ quản lý, thầy giáo, cô giáo luôn phát huy tinh thần trách nhiệm và nhiệt huyết với nghề, khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức, kiên trì mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng sự mong đợi của Đảng, Nhà nước và nhân dân, đưa dân tộc Việt Nam trở thành một dân tộc thông thái, như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu hằng mong ước.
Kim Huệ – Quang Phi