Trang chủXã hộiHai di tích ở huyện Núi Thành được xếp hạng di tích cấp tỉnh

Hai di tích ở huyện Núi Thành được xếp hạng di tích cấp tỉnh

UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành Quyết định số 2777/QĐ-UBND về việc xếp hạng 02 di tích cấp tỉnh trên địa bàn huyện Núi Thành, gồm: Địa điểm thành lập Đội du kích Vũ Hùng-Tiền thân của Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Nam ở xã Tam Quang và Mộ Thượng thư Bộ Công Trần Văn Thái ở xã Tam Tiến.

Ngôi nhà của Võ Thị Trơn – nơi thành lập Đội du kích Vũ Hùng vào đêm ngày 4/5/1945
(Trong ảnh là bà Huỳnh Thị Duyên (cháu ngoại bà Trơn) cùng chồng là ông Nguyễn Hữu Tiễn chụp ảnh trước ngôi nhà)

Di tích Địa điểm thành lập Đội du kích Vũ Hùng hiện nay thuộc thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang, huyện Núi Thành. Đêm ngày 04/05/1945, tại nhà bà Võ Thị Trơn (thuộc ấp 1, xã Xuân Quang), đồng chí Phan Tri, Bí thư Chi bộ thôn Thuỷ Thạch, được sự ủy quyền của Tỉnh ủy Quảng Nam và Phủ ủy Tam Kỳ tuyên bố thành lập khung của Đội du kích Vũ Hùng với số lượng 30 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Ngọc Tân được phân công làm đội trưởng, đồng chí Bùi Xuân Hồng làm đội phó. Từ đây, Đội du kích Vũ Hùng không ngừng lớn mạnh, đóng góp xuất sắc vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việc thành lập Đội du kích Vũ Hùng – Tiền thân Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Nam là sự kiện quan trọng trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng của Đảng bộ tỉnh Quảng Nam, đánh dấu bước phát triển vượt bậc trong quá trình chuẩn bị về lực lượng quân sự, tiến tới phát động khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng 8-1945, đồng thời mở ra trang sử hào hùng, đầy tự hào của lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh nhà. 

Ông Nguyễn Ngọc Tân – Đội trưởng Đội du kích Vũ Hùng

Thượng thư Bộ Công Trần Văn Thái (?-1810) là một trong những vị quan giữ chức vụ lớn nhất trong hệ thống thuỷ quân của triều Nguyễn thời Gia Long và có nhiều công lao trong việc phát triển thuỷ quân, đặc biệt trong việc đóng thuyền chiến và thuyền vận tải. Cùng với việc phát triển thủy quân, Thượng thư Bộ Công Trần Văn Thái cũng đóng vai trò rất lớn trong việc giúp triều Nguyễn thực thi, khẳng định chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên biển Đông cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX. Năm 1809, Trần Văn Thái được thăng chức Thượng thư Bộ Công kiêm Thống quản thủy quân và là một trong sáu vị Thượng thư đầu tiên của triều Nguyễn. Cùng với Nguyễn Văn Trương (1740 – 1810), quê ở huyện Lễ Dương, từng giữ chức Lưu trấn thành Gia Định từ năm (1805 – 1808), Trần Văn Thái là một trong hai người Quảng Nam giữ chức vụ cao nhất dưới triều Gia Long. Trần Văn Thái mất năm 1810 và được triều Nguyễn ban tặng tước “Sùng Tiến tuyên lộc Đại phu, Trụ quốc tham chánh Quý đức hầu”. Mộ Thượng thư Bộ Công Trần Văn Thái hiện nay toạ lạc tại thôn Lộc Ngọc, xã Tam Tiến.

Mộ Thượng thư Bộ Công Trần Văn Thái tại xã Tam Tiến được xếp hạng di tích cấp tỉnh

UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Núi Thành trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý Nhà nước đối với các di tích trên theo luật định; bố trí kinh phí tu bổ và dựng Bia đối với các di tích hiện đang xuống cấp hoặc không còn dấu tích; cắm mốc giới các khu vực bảo vệ di tích; lập thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với di tích theo đúng quy định tại Quyết định số 08/2019/QĐ-UBND ngày 02/5/2019 của UBND tỉnh.

Mai Lâm

Bình chọn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

ĐỌC NHIỀU