Thông tin cậu học trò “ngửi chữ” Phạm Phú Thịnh, quê xã Tam Vinh, huyện Phú Ninh thi đậu vào khoa toán, trường đại học Đà Nẵng với số điểm khá cao (24 điểm), ai cũng thán phục. Bởi nếu là một học sinh bình thường thì chuyện không có gì để nói, đằng này Thịnh là một học sinh khuyết tật rất nặng ở mắt. Khi học tập, em phải để sát sách vở vào mặt, tay rà đi rà lại từng con chữ.
Thông tin cậu học trò “ngửi chữ” Phạm Phú Thịnh, quê xã Tam Vinh, huyện Phú Ninh thi đậu vào khoa toán, trường đại học Đà Nẵng với số điểm khá cao (24 điểm), ai cũng thán phục. Bởi nếu là một học sinh bình thường thì chuyện không có gì để nói, đằng này Thịnh là một học sinh khuyết tật rất nặng ở mắt. Khi học tập, em phải để sát sách vở vào mặt, tay rà đi rà lại từng con chữ. Thịnh chỉ nhìn thấy mọi vật lờ mờ ở khoảng cách hơn 1m, muốn phân biệt màu sắc, vật dụng phải đặt cách mắt non một gang tay. Nói điều này để thấy kết quả hôm nay là cả sự nỗ lực vươn lên của Phạm Phú Thịnh.
Khi học Thịnh phải để sát sách vở vào mặt, tay rà đi rà lại từng con chữ. |
Khi còn là học sinh trường THPT Nguyễn Dục, huyện Phú Ninh, thầy cô và cả bạn bè ai cũng quan tâm đến Thịnh bởi do dị tật nên việc học tập của em chẳng giống một ai. Song kết quả học tập của Thịnh thì thật đáng nể, 12 năm học Thịnh đều đạt học sinh giỏi. Điều này phần nào an ủi cha mẹ Thịnh. Bởi Thịnh sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, ba từng là bộ đội chiến trường Khu V và Campuchia. Hai trong số ba chị em Thịnh đều bị khuyết tật bẩm sinh do chất độc hóa học chiến tranh để lại. Chị Lưu Thị Huệ mẹ em Thịnh tâm sự : Thấy con cố gắng học và đạt nhiều thành tích là người mẹ tôi mừng lắm, mong sau này em có được một nghề nghiệp phù hợp để tự lo được cho bản thân mình.
Thịnh học tập rất chăm chỉ, giúp bạn bè cùng tiến bộ. trong học tập và luôn làm tốt công việc được giao. |
Nhà cách trường hơn 8 km nhưng Thịnh chưa từng bỏ một buổi học nào. Điều đáng mừng là từ khi học cấp 2, em đã được người bạn thân cùng trường là em Võ Văn Quốc tự nguyện giúp đỡ việc đưa đón đi học. Nhiều năm liền đôi bạn vùng quê nghèo này đã gắn bó với nhau bằng sự yêu thương, đồng cảm để cùng học tập, cùng đến lớp đến trường. Và chính Thịnh cũng đã giúp đỡ rất nhiều để Quốc cùng tiến bộ trong học tập. Không chỉ học giỏi, Thịnh còn là thành viên chủ lực của Trung tâm trẻ mồ côi tàn tật huyện Phú Ninh. Chị Nguyễn Thị Lý – Trung tâm trẻ khuyết tật mồ côi Phú Ninh, Quảng Nam cho biết: Thịnh đến Trung tâm này một cách tự nguyện, các cô, các thầy và các em ở trung tâm đều yêu quý, Thịnh là tấm gương sang để các em ở đây học tâp và nói thật chính mình rất khâm phục Thịnh.
Tất cả những gì Thịnh có được hôm nay là một hành trình quá ư khó khăn, với người bình thường chưa dễ làm được huống hồ là người khuyết tật. Dù ở đâu em đều làm tròn bổn phận, trách nhiệm trên cả mong đợi của những ai quan tâm, yêu thương Thịnh. Ai cũng khâm phục, thầm mong những điều kỳ diệu sẽ đến với em. Và điều kỳ diệu ấy đã đến. Trong kỳ thi tuyển sinh đại học vừa qua, em đã thi đổ vào khoa toán trường đại học Đà Nẵng với 24 điểm. Ông Huỳnh Ngọc Nguyên – Phó giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội chi nhánh tại Quảng Nam một đơn vị hảo tâm đã đến thăm gia đình em Thịnh, ông cho biết thêm: Đơn vị hỗ trợ để động viên em có thêm động lực học tập và tôi cũng mong muốn nhiều đơn vị khác cùng chung sức giúp đỡ để Thịnh có điều kiện học tập tốt hơn trong thời gian đến.
Hành trình đi đến tương lai của em Phạm Phú Thịnh vẫn còn ở phía trước. Hiện tại gia đình em vẫn nằm trong diện hộ nghèo, bản thân lại bị khuyết tật nên ước mơ gắn bó 4 năm nơi giảng đường đại học của em không dễ thành hiện thực. Phạm Phú Thịnh đang cần lắm những tấm lòng hảo tâm xa gần để em có thêm điều kiện và niềm tin khi bước vào giảng đường đại học và xa hơn là có đủ hành trang cũng như tri thức để hòa nhập với cộng đồng.
Văn Trường – Xuân Lộc