Sáng nay 14.10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh ký ban hành Công điện số 06/CĐ- UBND về việc tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới và mưa lũ.
Công điện nêu rõ: Vào lúc 04 giờ ngày 14/10/2022, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 13,7 độ Vĩ Bắc; 112,5 độ Kinh Đông, trên khu vực giữa Biển Đông, cách đất liền các tỉnh Quảng Ngãi – Bình Định khoảng 330km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (39-61km/giờ), giật cấp 9, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 10-15km/h, có khả năng mạnh lên thành bão.
Từ nay đến ngày ngày 16/10 các địa phương trong tỉnh có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to; tổng lượng mưa các địa phương phía Bắc của tỉnh phổ biến từ 200-300mm, phía Nam của tỉnh phổ biến từ 300- 450mm, có nơi trên 600mm.
Các sông trên địa bàn tỉnh khả năng xuất hiện một đợt lũ với đỉnh lũ ở mức trên báo động 2 đến trên báo động 3. Đồng thời từ cuối tháng 9 đến nay, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra mưa lớn, độ ẩm đất đã đạt trạng thái gần bão hòa, nguy cơ rất cao xảy ra lũ, lũ quét, tại các sông, suối vùng núi, sạt lở đất đá ở sườn dốc, ven sông, suối và ngập úng tại vùng trũng.
Thực hiện Công điện số 939/CĐ-TTg ngày 13/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan đề cao cảnh giác, không được chủ quan, tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa qua, đồng thời chủ động, sẵn sàng ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và đợt mưa lũ tới, tập trung một số nhiệm vụ cụ thể sau:
Tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt Công điện số 05/CĐ-UBND ngày 12/10/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh về chủ động ứng phó vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và mưa lũ.
Tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ, nắm chắc thông tin về diễn biến áp thấp nhiệt đới/bão và mưa lũ; chủ động triển khai công tác bảo đảm an toàn cho tàu thuyền còn hoạt động trên biển và các hoạt động ven biển, đảo.
Khẩn trương tổ chức rà soát, kiểm tra ngay các khu vực có nguy cơ sạt lở, khu vực nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất, nhất là khu dân cư, trường học, trụ sở để chủ động sơ tán người khỏi khu vực nguy hiểm; kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là những khu vực được cảnh báo có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân và Nhà nước; bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát chặt chẽ, hỗ trợ, hướng dẫn giao thông qua các ngầm, tràn, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết để bảo đảm an toàn;
Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn Nhân dân thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, hạn chế thiệt hại khi xảy ra mưa lũ, ngập lụt; chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, bảo đảm nguồn cung cầu tại các khu vực có nguy cơ bị chia cắt do ngập sâu, sạt lở; bố trí lực lượng, phương tiện tại khu vực trọng điểm để kịp thời tổ chức hỗ trợ người dân sơ tán, cứu trợ, cứu hộ cứu nạn khi có yêu cầu; kiểm tra, tháo dỡ kịp thời các vật cản lớn gây nguy hiểm trên sông, suối.
Các đơn vị quản lý hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện thực hiện trực ban 24/24 giờ; kiểm tra, quan trắc đập, kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố; theo dõi chặt chẽ diễn biến lượng mưa, mực nước các hồ chứa nước, thường xuyên báo cáo với cơ quan quản lý cấp trên. Thực hiện tốt việc thông báo, thông tin đến vùng hạ du, vận hành điều tiết hồ đảm bảo theo đúng Quy trình vận hành được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các Sở, Ban, ngành, địa phương, đơn vị tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thiên tai để kịp thời chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục; thường xuyên báo cáo về UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh theo dõi, chỉ đạo.