Trang chủXã hộiChủ động ứng phó với mưa lớn nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh

Chủ động ứng phó với mưa lớn nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh

Ngày 10/12, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Công văn số 9642/UBND-KTN về việc chủ động ứng phó với mưa lớn, thời tiết nguy hiểm trên biển và nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh.

Theo bản tin của Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, từ ngày 11/12 đến ngày 13/12/2024 các địa phương trong tỉnh có khả năng xảy ra mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa các địa phương vùng núi phía Tây Bắc phổ biến từ 100 – 200mm, có nơi cao hơn 250 mm; các địa phương vùng đồng bằng ven biển và vùng núi phía Tây Nam phổ biến từ 150 – 250 mm, có nơi trên 350 mm. Mưa lớn gây ra nguy cơ xảy ra lũ, lũ quét, tại các sông, suối vùng núi, sạt lở đất đá ở sườn dốc, sông, suối nhỏ; gây ngập úng tại các vùng thấp trũng, nơi tập trung đông dân cư. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.

Trước tình hình đó, UBND tỉnh đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo về mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại. Chủ động triển khai các phương án đảm bảo an toàn về người và tài sản theo phương án phòng chống thiên tai trên địa bàn đã được phê duyệt.

Chủ động rà soát các khu vực không đảm bảo an toàn, nhất là các khu vực bị ngập sâu, chia cắt, vùng trũng thấp ven sông suối, khu vực nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn đồng thời bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn, nghiêm cấm người và phương tiện đi lại trên những tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết, ngầm, tràn, trên các sông, suối, hồ chứa nước; kiên quyết không cho người, phương tiện đi qua những khu vực ngập sâu, nguy hiểm, nơi dễ sạt lở đất.

Thông báo cho các chủ đầu tư, đơn vị thi công công trình, nhất là các công trình đang thi công ở ven sông, trên sông, trên biển, khu vực miền núi, các hồ chứa nước, chủ các phương tiện vận tải thủy, các đơn vị khai thác khoáng sản biết thông tin về mưa lớn để chủ động các biện pháp ứng phó, có phương án đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị, vật tư tại công trình.

Rà soát, sẵn sàng triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất, phòng chống ngập úng khu vực đô thị, khu công nghiệp.

Các đơn vị quản lý hồ chứa thủy lợi, thủy điện thực hiện trực ban; kiểm tra, quan trắc đập, kịp thời phát hiện và xử lý sự cố; thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến lượng mưa, mực nước của các hồ chứa, duy trì thông tin báo cáo với cơ quan quản lý cấp trên; thực hiện tốt việc thông báo, thông tin đến vùng hạ du và vận hành điều tiết hồ đảm bảo theo đúng Quy trình được cấp thẩm quyền phê duyệt.

BTV

Bình chọn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

ĐỌC NHIỀU