Hội An tự hào là nơi có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Bài chòi – di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (7/12/2017). Với nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp, Hội An không chỉ giữ gìn và phát huy hiệu quả giá trị loại hình diễn xướng dân gian này mà còn tạo thành sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách gần xa.
Có một thời gian khá dài, loại hình hô hát bài chòi tưởng chừng đã mai một, thất truyền. Ở Hội An cũng vậy! Chỉ từ khi có Đêm rằm phố cổ Hội An (1998), bài chòi mới xuất hiện trở lại với hình thức “hội” chơi và được phục hồi những nét văn hóa đặc sắc của nó. Chính “Đêm phố cổ”, nhờ vào các điều kiện không gian kiến trúc, không gian ánh sáng đặc trưng của phố, nhờ vào lượng người dân và du khách đến với lễ hội ngày càng đông nên trò chơi bài chòi đã thực sự sống dậy ở nội thị (được tổ chức hàng đêm). Còn ở các thôn, các khối phố ngoài khu phố cổ, trò chơi bài chòi được tổ chức theo định kỳ mỗi dịp lễ tết, hội hè.
Trên địa bàn thành phố hiện có hơn 10 đội, nhóm hô – hát bài chòi từ thành phố đến cơ sở, thường xuyên tham gia vào các chương trình lễ hội hàng năm. Riêng ở Trung tâm VH-TT và TT-TH thành phố, Đội tuyên truyền văn nghệ lấy dân ca – bài chòi làm loại hình biểu diễn nghệ thuật chủ yếu. Nhất là từ năm 1996, sự ra đời của Nhà hát nghệ thuật cổ truyền Hội An đã tạo được một đội ngũ hô – hát bài chòi xuất sắc để phục vụ công chúng với tần suất hoạt động rất cao. Tại các hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng của thành phố, các tiết mục hô, hát bài chòi thường xuyên được các đội văn nghệ xã phường, các trường học, doanh nghiệp lựa chọn đầu tư dàn dựng tham gia. Trong các lễ hội làng xã, xóm thôn, diễn xướng và trò chơi bài chòi trở thành hoạt động thông lệ ở hầu hết các địa bàn dân cư. Thạc Sĩ văn hóa Phùng Tấn Đông cho rằng, chính những hoạt động mà Hội An nỗ lực thực hiện đã tạo ra lớp công chúng đắc lực của nghệ thuật Bài chòi.
Trong các trường học, bắt đầu từ năm 2004 Trung tâm VH-TT Hội An phối hợp với Phòng GD-ĐT thành phố đã đưa bộ môn hát dân ca – bài chòi vào trường học; tổ chức dạy theo dạng cuốn chiếu từng năm học cho các trường THCS hằng tuần. Và từ năm 2011 đến nay, Trung tâm còn mở lớp học hát dân ca – bài chòi hằng đêm tại hoạt động “Phố đêm” trong khu phố cổ dành cho các em thiếu nhi. Lớp học này cũng sẵn sàng đón khách du lịch tham gia học hát. Hoạt động này ngoài mục đích bảo tồn và phát huy nghệ thuật bài chòi còn là một sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn tại Khu phố cổ.
“Tiếng lành đồn xa”, liên tục nhiều năm bài chòi Hội An được mời diễn giao lưu văn hóa và phục vụ lễ hội, sự kiện ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, các hội nghị cấp cao quốc gia cũng như quốc tế, ở nhiều nước khác nhau (từ CHLB Đức, Hunggary, sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Úc)… Và với hoạt động du lịch ở Hội An, trò chơi bài chòi đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu được của người dân và du khách thập phương khi đến tham quan, thưởng ngoạn khu phố cổ – di sản văn hóa thế giới. Từng tham gia hoạt động hô hát bài chòi trong các “Đêm phố cổ”, anh hiệu Minh Nhanh ở phường Cẩm Châu nhớ lại, nói:
Để tạo được sự yêu thích, hấp dẫn du khách là cả quá trình sáng tạo công phu của những người làm công tác văn hóa, nghệ thuật ở Hội An, vừa phải giữ cho được phần tinh túy, hồn cốt của nghệ thuật bài chòi vừa phải tạo ra độ tương thích, hòa nhịp với cuộc sống đương đại. Ông Võ Phùng – nguyên Giám đốc Trung tâm VH-TT và TT-TH thành phố, từng gắn bó lâu năm trong công tác quản lý và tổ chức các hoạt động truyền lưu, sáng tạo loại hình diễn xướng bài chòi ở Hội An cho rằng, phải biết quốc tế hóa bài chòi, khi giới thiệu bài chòi cũng phải sử dụng tiếng Anh, rồi khi con bài đến cũng phải sử dụng tiếng Anh để hướng dẫn du khách, thậm chí hướng dẫn cả cách chơi và giải thích những ưu điểm của bài chòi.
Không phải ngẫu nhiên mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Lễ đón bằng công nhận nghệ thuật Bài chòi miền Trung Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tại TP. Hội An. Hội An, nơi có nhiều đóng góp quan trọng và hiệu quả về giá trị thực hành để nghệ thuật bài chòi được vinh danh nên sự kiện càng có ý nghĩa hơn trong việc tôn vinh những giá trị truyền thống mà chính quyền và nhân dân nơi đây không ngừng nỗ lực sáng tạo để giữ gìn, phát huy.
Đỗ Huấn