Trang chủVăn hóaPhát huy giá trị làng nghề truyền thống Quảng Nam

Phát huy giá trị làng nghề truyền thống Quảng Nam

Trong xu thế hội nhập, làm thế nào để chúng ta dung hòa giữa bảo tồn và phát triển kinh tế từ các làng nghề, để mỗi làng nghề không chỉ là một bảo tàng văn hóa mà còn là một điểm đến du lịch hấp dẫn, góp phần xây dựng nông thôn mới thịnh vượng.

Giá trị làng nghề truyền thống

Làng nghề truyền thống ở Quảng Nam là sự kết tinh độc đáo của lịch sử, văn hóa và tâm hồn người dân xứ Quảng. Mỗi làng nghề như mộc Kim Bồng, mộc Vân Hà, gốm Thanh Hà, đúc đồng Phước Kiều hay nghề đan lát, dệt thổ cẩm… đều mang trong mình những nét tinh xảo và câu chuyện riêng biệt.

Du khách trải nghiệm làm mộc

Các sản phẩm thủ công không chỉ đơn thuần là vật dụng hàng ngày mà còn là những tác phẩm nghệ thuật, thể hiện sự khéo léo, sáng tạo và niềm đam mê nghề nghiệp của các nghệ nhân. Đồng thời, không gian làng nghề với những ngôi nhà cổ kính, đền chùa linh thiêng và các lễ hội truyền thống tạo nên những giá trị văn hóa vô giá cần được bảo tồn và phát huy.

Các làng nghề đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, đặc biệt là phụ nữ và người lớn tuổi. Không chỉ mang lại giá trị kinh tế, các làng nghề còn góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa địa phương, đồng thời mở ra cơ hội giao lưu văn hóa thông qua du lịch.

Đến thời điểm hiện tại, Quảng Nam đã công nhận tổng cộng 10 nghề truyền thống, 8 làng nghề và 22 làng nghề truyền thống. Một số làng nghề như mộc Kim Bồng và gốm Thanh Hà (Hội An) đã phát triển ổn định nhờ sự gắn kết với du lịch. Trong khi đó, nhiều làng nghề khác đang dần khôi phục và phát triển thành sản phẩm OCOP từ 3 đến 4 sao, góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, du lịch cộng đồng kết hợp với các làng nghề truyền thống tại tỉnh Quảng Nam đã trở thành một trong những sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút khoảng 15% du khách đến tham quan và trải nghiệm. ( Tọa đàm “Những giải pháp bảo tồn, phát triển nghề truyền thống trong thời kỳ hội nhập” do Ban Tổ chức FESTIVAL nghề truyền thống Quảng Nam 2024)

Phát triển du lịch làng nghề

Thời gian qua, Quảng Nam đã triển khai nhiều mô hình du lịch cộng đồng kết hợp với trải nghiệm nghề truyền thống, như các tour trải nghiệm đan lát, kỹ thuật mộc, đúc đồng, dệt thổ cẩm, rau Trà Quế và làm gốm… Những hoạt động này đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong phát triển kinh tế nông thôn. Hiện tại, tỉnh đang thực hiện mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn giá trị văn hóa bản địa và hệ sinh thái tự nhiên tại Làng mộc Kim Bồng, xã Cẩm Kim, thành phố Hội An, nhằm nhân rộng mô hình này trong thời gian tới.

Nghệ nhân Trần Thu đang thuyết trình cho du khách về bức phù điêu “Sông Thu Núi Ngọc”
Quảng Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ phát triển nghề, làng nghề và làng nghề truyền thống. Nghị quyết số 38/2022/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 về chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề và làng nghề nông thôn. Các chính sách này hỗ trợ toàn diện cho phát triển làng nghề nông thôn, từ việc di dời cơ sở sản xuất, nâng cấp hệ thống xử lý môi trường, đến hỗ trợ vốn vay, đào tạo truyền nghề, bảo hiểm y tế cho nghệ nhân và quảng bá sản phẩm làng nghề. Sự quan tâm và đầu tư này không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tại các làng nghề, mà còn tạo động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế – xã hội bền vững của địa phương.   Năm 2024, UBND tỉnh đã bố trí kinh phí hơn 5 tỷ đồng để các địa phương thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề.
Du khách trải nghiệm tại làng rau Trà Quế, Hội An

Theo ông Phạm Viết Tích – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Quảng Nam: “Phát triển du lịch làng nghề không chỉ góp phần bảo tồn và phát triển bền vững các làng nghề truyền thống, mà còn mở rộng thị trường, tạo ra nhiều cơ hội thuận lợi cho việc thúc đẩy sản xuất sản phẩm làng nghề. Hơn nữa, du lịch làng nghề còn đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của từng làng nghề”.

Cũng theo ông Tích, việc phát triển du lịch làng nghề đặt ra nhiều thách thức. Hiện nay, khả năng quản lý và điều hành các cơ sở du lịch làng nghề còn hạn chế, thiếu sự liên kết chặt chẽ. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để phát triển du lịch mà không làm mất đi bản sắc văn hóa của làng nghề, bảo vệ môi trường và đảm bảo sự phát triển bền vững của các làng nghề. Đồng thời, cần nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Ngoài ra, việc đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực này là cần thiết, đảm bảo rằng đội ngũ hướng dẫn viên và nghệ nhân có đủ kiến thức và kỹ năng để phục vụ du khách.

Du khách trải nghiệm tại làng rau Trà Quế, Hội An

Theo ông Nguyễn Anh Tài – Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Quảng Nam: “Việc phát triển nghề và làng nghề truyền thống, cùng với du lịch làng nghề, đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng nông thôn mới bền vững. Đây là một trong những hướng đi quan trọng để Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới tại Quảng Nam đạt được hiệu quả cao, tạo sinh kế ổn định và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.

Nghệ nhân Trần Thu (thôn Cẩm Phú, xã Điện Phong, thị xã Điện Bàn) cho rằng: “Phát triển du lịch làng nghề bền vững cần sự hợp tác của cộng đồng, chính quyền và doanh nghiệp. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ, đầu tư vào hạ tầng, đào tạo nhân lực và quảng bá du lịch làng nghề. Hơn nữa, cần nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề, để mỗi người dân trở thành đại sứ văn hóa cho quê hương mình”.

Sự kết hợp hài hòa giữa việc gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống và khai thác tiềm năng du lịch làng nghề sẽ tạo nên một sức sống mới, tạo nên những “vùng quê đáng sống”, vừa bảo tồn di sản văn hóa vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, vừa xây dựng xã hội thịnh vượng, hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, và đậm đà bản sắc dân tộc.

Phạm Thanh Tuấn

5/5 - (1 bình chọn)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

ĐỌC NHIỀU