Đó là thông tin tại Hội nghị tổng kết liên kết phát triển du lịch 5 địa phương gồm các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình và TP. Đà Nẵng, diễn ra vào chiều nay 22/12, tại TP. Hội An.
Sau một thời gian dài đóng băng do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hoạt động du lịch tại các tỉnh trong khu vực miền Trung đã sôi động trở lại với hàng loạt chính sách kích cầu du lịch cùng nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn được giới thiệu. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều “điểm nghẽn” trong công tác phối hợp, liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương. Tại Hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng quan điểm “đi cùng nhau” trong phát triển ngành du lịch giữa địa phương với địa phương, giữa địa phương với doanh nghiệp và người dân sẽ tạo ra nhiều cơ hội phát triển các sản phẩm du lịch cạnh tranh, bổ sung tính đặc sắc của sản phẩm, làm nổi bật tính khác biệt, hỗ trợ cho hoạt động tiếp thị, quảng bá điểm đến cũng như định vị thương hiệu du lịch của địa phương.
Thời gian qua, sự hợp tác, gắn kết đã được thiết lập, củng cố và phát triển. 5 địa phương Quảng Nam – Đà Nẵng – Thừa Thiên Huế – Quảng Trị – Quảng Bình thống nhất cùng nhau hỗ trợ, tổ chức hiệu quả nhiều hoạt động, sự kiện văn hóa du lịch mang tầm vóc khu vực. 5 địa phương đã hỗ trợ lẫn nhau trong công tác xúc tiến, quảng bá, đảm bảo tính hiệu quả về kinh phí nhưng vẫn đảm bảo giới thiệu được không gian điểm đến chung của khu vực và sản phẩm mang tính liên vùng và đặc trưng khác biệt của từng địa phương.
Những thương hiệu du lịch của địa phương đã được nhận diện. Bức tranh du lịch đầy màu sắc đã được liên kết, sắp đặt trong một không gian giàu các giá trị di sản, văn hóa để tạo nên “Miền di sản diệu kỳ” đầy quyến rũ – cũng là một điểm đến không thể bỏ qua trong hành trình của du khách trong và ngoài nước.
Các ý kiến tại Hội nghị cũng phân tích, đánh giá nhiều hạn chế, bất cập trong liên kết phát triển du lịch. Việc hợp tác, liên kết phát triển du lịch mới chỉ tập trung vào công tác quảng bá xúc tiến, trong khi đó những vấn đề như xây dựng sản phẩm để thông qua đó mở rộng không gian điểm đến, khai thác đặc trưng văn hóa độc đáo, các giá trị ẩm thực nổi bật của từng địa phương trong “Miền di sản diệu kỳ”; hoạt động phát triển nguồn nhân lực, góp ý xây dựng chính sách phát triển của ngành vẫn chưa được chú trọng đúng mức. Việc xác định thị trường trọng điểm để tập trung cho công tác quảng bá, xúc tiến vẫn chưa được thống nhất cao do có sự khác biệt về lợi thế, sản phẩm, cơ chế về tổ chức hoạt động xúc tiến giữa mỗi địa phương.
Hiền Viên – Tấn Châu