Chào mừng bạn đến với Podcast “Cafe 360” của Đài PT-TH Quảng Nam. Phát hành trên website qrt.vn, app QRT online, youtube Đài PT-TH Quảng Nam lúc 18h00 thứ Bảy hằng tuần; trên sóng phát thanh Đài PT-TH Quảng Nam tần số FM 97,6Mhz lúc 19h15’ cùng ngày, “cafe 360” sẽ là những lời tự sự, những tản mạn về cuộc sống… Mời các bạn đón nghe.
Bạn thân mến! Hình ảnh khói bếp bãng lãng bay lên trong chiều có lẽ là hình ảnh đẹp nhất mỗi khi nhớ về quê nhà, gợi nên bao thương nhớ với những người con xa quê. Là miền ký ức êm đềm, ấm áp của tuổi thơ bên căn bếp của mẹ. Hôm nay, xin mời quý thính giả cùng nghe những tản mạn của BTV Ái Linh “Vấn vương mùi khói bếp” qua giọng đọc của Kim Quảng.
Một buổi chiều sau giờ làm, thong dong chạy xe về vùng ngoại ô, hít hà bầu không khí trong lành của đồng quê, bất chợt nhìn thấy một làn khói bay lên từ chái bếp nhà ai, lòng tôi thấy bâng khuâng lạ.. Tôi dừng lại, ngắm nhìn làn khói bay lên khi trời vừa chập tối, dường như đó là một sự điểm xuyết vô cùng tinh tế của bức tranh quê yên bình. Cũng đã lâu lắm rồi tôi mới lại nhìn thấy làn khói bếp bởi khi cuộc sống ngày càng hiện đại, có quá nhiều lựa chọn từ bếp ga, bếp điện, bếp từ…vừa tiện nghi, sạch sẽ thì những chiếc bếp củi ám mùi khói cũng trở thành chuyện của ngày xưa… Nhưng với những người ở thế hệ của chúng tôi thì đó là những mảng ký ức thật đẹp và cũng đong đầy yêu thương.
Tôi vẫn nhớ dáng má ngồi lụi cụi trong bếp mỗi buổi sớm mai khi tôi vừa thức giấc. Nhen bếp lửa nấu nồi nước sôi để pha ấm chè là việc làm đầu tiên của má trong ngày. Sau khi nấu xong nồi nước để ba pha chè, má sẽ nấu cơm cho bầy con để ăn cho kịp giờ tới lớp. Ngày ấy, hàng quán không nhiều như bây giờ, phần cũng để tiết kiệm tiền và cho “chắc bụng” như lời má nói, nên chúng tôi ngày ba bữa đều ăn cơm. Chỉ hôm nào sang thật sang mới được má dúi cho mấy đồng để ăn quà cùng với bạn. Mà hồi đó, nhà chỉ có một cái bếp nên sau khi nấu cơm xong má sẽ khều ra một ít than để ghế nồi cơm, còn bếp sẽ tiếp tục dùng để nấu thức ăn. Vì thế nồi cơm lúc nào cũng có phần cháy xém ở bên dưới, giòn rụm và đó là phần cơm mà ba tôi thích nhất.
Gian bếp ngày xưa hình như nhà nào cũng giống nhau, bếp là cái kiềng ba chân, phía góc là dăm bó củi, còn bên trên thường treo nồi, niêu và những chiếc rế làm bằng mây, tre để tránh chó mèo. Những gian bếp lâu năm, khói và bồ hóng đóng lại đen kịt, mọi thứ trong gian bếp đều nhuốm màu khói vì thế nếu không cẩn thận kiểu gì cũng bị dính lọ nghẹ. Mùi khói bếp đôi khi còn ám vào cả quần áo chúng tôi khi đến trường.
Một đồ vật mà dường như bếp nhà nào cũng có đó là gạc-măng-rê, đây là cái tủ để đựng đồ ăn, gia vị, chén bát…giống như công năng của cái tủ bếp bây giờ. Để không cho kiến bò lên, người ta thường kê 4 cái chén nước ở 4 chân tủ. Gạc-măng-rê chính là nơi chất chứa niềm vui của những cái bụng đói, biết tính háu đói của bầy con nên buổi xế má thường để sẵn đồ ăn trong đấy. Khi đi chơi chán chê về chúng tôi có cái mà ăn, khi thì chén đậu hủ, khi thì vài cái bánh ướt, bánh nậm, nhưng cũng có hôm vì bận việc mà má quên là anh em chúng tôi tiu nghỉu vì chẳng có gì cho vào bụng.
Những bài học nội trợ đầu tiên của tôi cũng bắt đầu từ gian bếp đó. Ban đầu má bày tôi cách nhen lửa, củi nhỏ trước, củi lớn sau và nhớ chừa một khoảng trống cho lửa cháy, rồi sau đó sẽ dùng giấy hay bùi nhùi để mồi lửa. Bên cạnh bếp lửa, má thường để sẵn cái ống giang để khi nào thấy bếp sắp tàn, má sẽ chêm thêm củi vào rồi thổi lửa bằng cái ống đấy. Nhớ những lần đầu tiên đứng bếp, vì chưa quen tôi thổi lửa mà ho đến sặc sụa, tro bay tứ phía, khói sộc vào mắt mũi cay xè…Khổ nhất là những hôm trời mưa, củi ướt, lửa không tài nào cháy nổi, khói um nhà, tôi vừa nấu cơm, vừa thổi lửa vừa hong củi. Những bữa cơm đó thường “trên sống dưới khê, tứ bề nhão nhoẹt”, mở vung ra chỉ toàn nghe mùi khói thế mà cả nhà vẫn chan canh húp xoàm xoạp, ăn đến ngon lành.
Điều tôi thích nhất khi nấu bếp củi là lúc nào cũng sẵn than, thi thoảng má sẽ lùi cho chúng tôi vài củ khoai, củ sắn lúc là trái bắp. Mùi khoai, bắp nướng thơm nứt mũi khiến chúng tôi thòm thèm, không chờ được cho đến khi khoai nguội, cầm củ khoai cháy xém trong tay, bỏ vội vào vạt áo, chúng tôi vừa thổi vừa ăn ngấu nghiến.
Những ngày nắng chạy chơi ngoài đồng, quên hết cả thời gian nhưng khi nhìn thấy làn khói len lỏi bay lên từ chái bếp là chúng tôi biết sắp đến giờ cơm, chẳng đợi ai phải nhắc chúng tôi tự giác giải tán ra về. Còn những ngày mùa đông, chúng tôi thường ngồi quanh bếp lửa để hong tay, chân cho ấm, bên bếp lửa nhìn những làn khói bay gợi lên trong trí tưởng tượng non nớt của chúng tôi biết bao nhiêu câu chuyện. Rằng khói bay lên trời sẽ biến thành mây, với anh tôi mây là phương tiện di chuyển của các tướng quân nhà trời, còn với tôi mây biến thành rèm cho những tiên nữ như những bộ phim mà thỉnh thoảng chúng tôi được xem. Có đôi khi, chúng tôi còn đứng trước làn khói rồi tự phong mình là ông bụt, bà tiên…tuổi thơ của chúng tôi có những niềm vui giản dị như thế.
Giờ đây, khi đã trưởng thành, làn khói bếp với tôi đã là một phần êm đềm của ký ức. Tôi nhìn thấy trong làn khói ấy là bóng dáng tảo tần của má, bóng lưng mỗi sớm mai vẫn lụi cụi trong bếp đã gánh vác bao nắng, mưa, cơ cực bao lo toan để anh, em chúng tôi trưởng thành. Trong làn khói ấy, là mùi của rơm rạ, mùi của đất quê đã đi theo chúng tôi qua từng năm tháng. Để đến bây giờ chỉ cần bất chợt nhìn thấy đâu đó làn khói bếp bay lên là lòng lại thấy vấn vương, nhớ về bếp lửa xưa của má vẫn luôn ấm nồng.
Ái Linh