Trang chủPODCAST Thương nhớ quê nhà...

[PODCAST] Thương nhớ quê nhà…

Chào mừng bạn đến với Podcast “Cafe 360” của Đài PT-TH Quảng Nam. Phát hành trên website qrt.vn, app QRT online, youtube Đài PT-TH Quảng Nam lúc 18h00 thứ Bảy hằng tuần; trên sóng phát thanh Đài PT-TH Quảng Nam tần số FM 97,6Mhz lúc 19h15’ cùng ngày, “cafe 360” sẽ là những lời tự sự, những tản mạn về cuộc sống… Mời các bạn đón nghe.

Bạn thân mến, những ngày này khi tiết trời chuyển sang cuối đông, những cơn mưa đã thôi kéo dài lê thê từ ngày này qua ngày khác, nhưng vẫn còn đó những hôm trời bỗng dưng trở lạnh, những cơn mưa bất chợt, trời đang nắng bỗng chuyển sang u sầu, điều đó khiến bạn vấn vương điều gì. Hôm nào đó trong cuộc chuyện trò hàng giờ với người bạn xa quê, tôi chợt nhận ra, những ngày giao mùa như thế này là cơn cớ để người ta quay về với rất nhiều cảm xúc, về với những tháng ngày xưa cũ mà đôi khi vì cuộc sống bộn bề chúng ta đã bỏ quên.

Và hôm nay, xin mời các bạn cùng nghe Podcast của BTV Ái Linh, qua giọng đọc Thùy Dương để chúng ta cùng nhau sống lại với những miền ký ức, những “Nhớ thương quê nhà”…

Ảnh minh họa

Bạn điện thoại cho tôi vào một buổi chiều đông, bạn hỏi ở quê nghe nói dạo này mưa lắm hả, tự nhiên tao nhớ nhà quá mày ơi…Ở cái tuổi xấp xỉ gần 40, đã đi qua bao gió mưa của cuộc đời, hối hả, bận rộn với công việc, với chuyện học hành của con cái, dường như cái quỹ thời gian 24h một ngày đã quá chật chội, còn đâu chỗ cho những nhớ thương. Thế mà một buổi chiều nghe bạn nói hai chữ “nhớ nhà” lòng tôi cũng bồi hồi khó tả,…và câu chuyện của chúng tôi cứ thế mãi miết trôi về với những tháng ngày xưa cũ, về với những kỷ niệm êm đềm tuổi thơ nơi miền quê nghèo khó mà quá đỗi thương yêu.

Bạn bảo, xa quê nay gần 20 năm, đã lấy Sài thành làm quê hương thứ hai, ở đó có gia đình, có công việc…thế mà không hiểu sao, cứ mỗi lần thấy trời mưa bạn lại nhớ quê đến quay quắt, nhớ căn nhà nằm bên sườn đồi, mỗi khi mưa gió dường như bị cô lập với bên ngoài buồn đến hắt hiu. Những rãnh nước cạn khô mùa hè, đến mùa mưa chảy thành dòng, tối ngủ mà nghe tiếng suối chảy như ru. Ngày thường lũ trẻ con phơi mình ngoài đồng, chơi đến tối mịt chẳng chịu về, đến mùa mưa bị giam chân trong nhà, ngồi bó gối nhìn ra chỉ trông trời mau tạnh….Mà trẻ con thì hay lắm, chẳng khi nào chúng để buồn lâu, trời mưa không được chạy nhảy ở ngoài đồng thì phải nghĩ ra một trò gì đó để chơi. Những chiếc tập sách cũ, những tờ lịch hay bất cứ loại giấy gì có thể tìm được đều được trưng dụng để gấp làm thuyền. Những chiếc thuyền giấy thả trôi theo dòng nước chở theo tiếng cười của trẻ thơ….

Còn tôi, ngày mưa, nhớ nhất là món bánh xèo của mẹ, bánh xèo nhà quê không phải lúc nào cũng có tôm thịt, mà dường như thứ gì tìm được quanh nhà cũng có thể trở thành nhân. Khi là bánh xèo măng, khi là bánh xèo nấm, có hôm tươm tất lắm mới có chút tôm thịt thế mà ngon không gì bằng.

Hôm nào trời mưa mà thấy mẹ xay bột, chuẩn bị làm bánh xèo là anh em trong nhà chộn rộn hẳn lên. Đứa đi rửa chảo, đứa nhen lửa,  đứa rang đậu làm nước chấm…rồi ngồi quanh bếp chờ mẹ đúc bánh xèo. Những cái bánh đầu tiên thường bị rách vì mỡ chưa trán đều chảo nhưng với chúng tôi đó là những chiếc bánh ngon nhất trần đời. Trời mưa, bụng đói, chỉ cần nghe tiếng xèo khi vừa đổ bột vào chảo là bụng đã réo liên hồi, chỉ chờ lúc mẹ đổ bánh ra tàu lá chuối để sẵn trên nia là bọn tôi tranh nhau để được ăn miếng đầu tiên. Với sẵn cái bụng đói, những cái bánh như chực tan trong miệng, chưa kịp thưởng thức đã trôi vào dạ dày. Mẹ bảo, đến khổ với bầy con tham ăn, đúc chẳng kịp cho tụi nó ăn lấy gì mà dọn. Ngày ấy, cuộc sống cơ cực lam lũ, nhưng vui lắm, mùa mưa quây quần bên bếp của mẹ, không khí ấy ấm áp đến vô cùng, đến bây giờ tóc đã bắt đầu pha sương, nhưng sao vẫn muốn được quay về…

Ở quê bạn, bây giờ đường sá đi lại đã thuận lợi hơn rất nhiều, nhưng bà con vẫn sống chủ yếu bằng nghề trồng rau, màu. Hôm rồi điện về nhà, nghe nói mưa làm hư hết mấy sào rau vừa lên mầm của bà Bảy nhà hàng xóm mà thấy thương ghê. Bà Bảy cũng đâu tuổi với mẹ bạn, chồng mất sớm, một mình bà nuôi 5 đứa con ăn học nên người. Con cái giờ cũng thành đạt, lập nghiệp ở xa, thương mẹ già ở quê, các con đưa mẹ ra phố ở. Đâu chưa đầy một tháng, người ta thấy bà tay nách xách mang trở về. Bà bảo, ở phố không quen, thấy bức bí không chịu nổi. Chỗ nào cũng toàn xi măng, muốn trồng luống rau cũng không có đất, ngày đêm nhạc cứ xập xình, đau đầu lắm. Bà ở quê quen rồi, quen với tiếng gà, tiếng vịt, quen với mớ đất, mớ rau..giờ ra phố, bà không chịu nổi tiếng phố phường, tiếng xe cộ bóp còi inh ỏi, thôi, con cái thương bà thì cho bà về quê sống nương nhờ với xóm làng, bà con để còn có người bầu bạn, tâm sự. Buồn tay, buồn chân thì nuôi thêm con gà đẻ trứng, có mà gởi cho cháu con, trồng luống rau, khi nào con về thì mang ra phố mà ăn. Bà về quê bầu bạn với bà con hàng xóm. mấy nhà quanh xóm lúc có gì ngon thì ới mang qua cho bà, chẳng gì nhiều nhặn khi thì tô canh, lúc lát cá kho…thế mà bà mừng lắm. Bà bảo, chẳng phải cao lương, mỹ vị gì mà nó là cái tình, cái nghĩa của hàng xóm láng giềng.

Thế đấy, những người trẻ như bạn tôi xa quê đôi khi còn nhớ đến ngậm ngùi, huống hồ gì những người cả đời mình gắn bó với ruộng đồng như bà Bảy, đâu dễ nói đi là đi được đâu.

Những câu chuyện của tôi và bạn cứ mãi xoay quanh chuyện quê nhà. Bạn bảo, Tết này nhất định phải cho tụi nhỏ về quê ăn Tết, để tụi nó biết Tết quê thế nào. Về ăn cho bằng hết mấy món ở quê, đi lại những con đường quen thuộc, về thăm lại bà con xóm giềng và về để nghe tiếng quê mình đặc sệt cho sướng cái lỗ tai…

Đôi khi giữa những bộn bề của cuộc sống, chúng tôi cảm thấy mình may mắn vì đã từng là những đứa trẻ sinh ra ở quê, lớn lên trong mùi rơm rạ. Quê hương đã nuôi nấng tuổi thơ chúng tôi bằng tất cả sự bình yên, dung dị để rồi những lúc mệt mỏi, hay cảm thấy ngột ngạt giữa phố phường thì chúng tôi vẫn luôn có một nơi để nhớ về, để nương náu, để lòng được thấy bình yên đó là …quê nhà…

5/5 - (5 bình chọn)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

ĐỌC NHIỀU