Chào mừng bạn đến với Podcast “Cafe 360” của Đài PTTH Quảng Nam… Phát hành trên website qrt.vn, app QRT online, youtube Đài PT-TH Quảng Nam lúc 18h00 thứ Bảy hằng tuần; trên sóng phát thanh Đài PT-TH Quảng Nam tần số FM 97,6Mhz lúc 19h cùng ngày, “cafe 360” sẽ là những lời tự sự, những tản mạn về cuộc sống… Mời các bạn đón nghe.
Bạn thân mến! Với mỗi người con nước Việt, nếu ai đã từng một lần đặt chân đến Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An – nơi sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của dân tộc Việt Nam và cả thế giới thì hẳn sẽ cảm thấy vô cùng xúc động và tự hào. Trong dòng cảm xúc đó, bạn Đặng Trương có bài viết gửi về chương trình. Podcast café 360 hôm nay mời quý vị cùng nghe những chia sẻ của bạn Đặng Trương khi về thăm quê hương Bác Hồ trong những ngày tháng 5 lịch sử của dân tộc.
Một ngày đầu tháng 5, trong tiết trời miền Trung trong xanh bát ngát, hòa cùng dòng người từ khắp nơi trên mọi miền đất nước, chúng tôi về làng sen quê hương Bác Hồ. Trên đoạn đường từ thành phố Vinh đi Nam Đàn, bài hát “Từ Quảng Nam con về thăm quê Bác” của nhạc sĩ Quốc Hùng vang lên tha thiết khiến lòng chúng tôi nghe xao xuyến bồi hồi…
Trèo lên hơn ba trăm bậc tam cấp ngoằn nghoèo men theo sườn núi Động Tranh thuộc dãy núi Đại Huệ, xã Nam Giao, huyện Nam Đàn, chúng tôi đứng trước ngôi mộ cụ bà Hoàng thị Loan- thân mẫu của Bác Hồ. Từ vị trí đứng này, phóng tầm mắt ra xa ta có thể bao quát cả một vùng rộng lớn thuộc các huyện Nam Đàn, Hương Sơn, Đức Thọ…Nói cách khác, núi Động Tranh với độ cao hơn một trăm mét so với mặt nước biển đã dang đôi tay ôm vào lòng đất đai, sông suối quê hương, xứ sở hệt như người mẹ ôm ấp chở che cho đàn con của mình. Theo như lời người thuyết minh khu lăng mộ, năm 1942, ông Nguyễn Sinh Khiêm đã cất công đi khắp vùng Nam Đàn, Hưng Nguyên mới tìm được vị trí này để đặt mộ mẹ. Và ngày 19 tháng 5 năm 1984, khu lăng mộ cụ bà Hoàng thị Loan được khởi công xây dựng với lối thiết kế hiện đại nhưng vẫn giữ được nét dung dị và hài hòa với thiên nhiên mây núi Động Tranh và thông reo vi vút mỗi sớm mỗi chiều. Đến nơi đây, nhìn nóc mộ được phủ lên bằng những hòn đá tự nhiên của núi Đại Huệ và phía trên ngôi mộ có mái che là dàn bê tông được cách điệu như hình chiếc khung cửi, một công cụ lao động gắn với cả cuộc đời của bà để dệt vải nuôi chồng con…đã khiến người người xúc động vô ngần về tấm lòng và công lao của người mẹ làng sen đã sinh ra cho dân tộc một người con kiệt xuất…
Từ khu di tích lăng mộ cụ bà Hoàng thị Lan, ngược theo con đường thảm nhựa chạy giữa màu xanh ngút mắt của lúa trên đồng đất Nam Đàn, chúng tôi đến thăm khu di tích Hoàng Trù-quê ngoại và Kim Liên – quê nội Bác Hồ. Đã vài lần được đặt chân đến nơi này, nhưng chẳng hiểu sao cứ mỗi lần bước đi dưới bóng che râm mát của bờ tre men theo con đường vào nhà Bác- ngôi nhà của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc thuở nào… lòng chúng tôi lại thêm một lần bồi hồi xúc động. Có phải, tất cả những gì còn lại ở đây từ bờ tre, ruộng lúa, vạt đậu trước sân vườn, vuông khoai lang đang mùa trỗ hoa tím hay cây bưởi, cây ổi qua năm tháng thời gian vẫn xanh tươi hoa trái… sau ngần ấy năm Bác đã đi xa vẫn quá đổi thân thương, giản dị và mộc mạc đến vô ngần! Giọng người thuyết minh nhẹ nhàng và truyền cảm như thổi vào tâm hồn mỗi người đến với nhà Bác một niềm xúc động vô biên… Khoa thi hội năm Tân Sửu 1901 ông Nguyễn Sinh Sắc đậu Phó bảng, theo tập tục của địa phương và nguyện vọng của dân làng, ông cùng các con rời làng Chùa -Hoàng Trù quê vợ về sống tại làng Sen quê nội. Ngôi nhà này là do bà con làng Sen quyết định xuất quỹ công dựng để mừng ông Phó bảng. Tất cả cây cối trong vườn cũng đều do dân làng trồng cho. Trong ngôi nhà đơn sơ này cụ Sắc đã dành hai gian rộng rãi để đặt bàn thờ bà Hoàng Thị Loan và để tiếp khách. Bàn thờ được làm bằng liếp tre nứa trên trải chiếu nhỏ để bát hương, cây nến và bài vị bằng gỗ giản dị. Gian thứ tư là nơi nghỉ của cụ Sắc, ở đây có bộ phản gỗ kê bên cửa sổ chính, bên cạnh có chiếc án thư nơi cụ dạy các con học chữ và đây cũng là nơi vào các buổi tối cụ thường mời bà con ngồi quây quần uống nước trà xanh. Nhân cách cao thượng của người cha và lòng nhân ái vị tha của người mẹ đã ảnh hưởng rất lớn tới nhân cách các con của cụ Sắc…
Chị Nguyễn thị Hiền, hướng dẫn viên khu di tích nhà Bác đưa chúng tôi ra thăm khu vườn nhỏ trước sân đang được trồng những vuông đậu và những hàng rau lang xanh tốt. Khi chúng tôi hỏi, những loại cây trồng ở đây bây giờ mới được trồng thêm vào hay nguyên thủy đã có từ thời cụ Phó Bảng ? Chị Hiền tươi cười nói: Quan cảnh vườn nhà Bác trước tự tay gia đình Bác trồng. Khi nơi đây trở thành di tích, bà con có nguyện vọng xin được trồng hoa để khu vườn nhà Bác thêm đẹp. Bác từ tốn nói: Bác đồng ý trồng hoa nhưng các cô, các chú nên gắn trồng hoa khoai lang vẫn đẹp. Bác nói như thế là có ý muốn để khu vườn này tăng gia sản xuất. Hòa bình rồi nhưng dân mình vẫn còn khổ, Bác muốn khu vườn có hoa, có cũ… Từ đó đến nay, khu vườn nhà Bác cứ sản xuất theo vụ hoa màu và khoai, đậu ngô cứ nối nhau xanh tốt.
Chúng tôi lặng lẽ quan sát khu vườn trước sân nhà Bác. Mọi thứ ở đây dường như vẫn còn nguyên vẹn dù trải qua năm tháng thời gian. Trước sân là cây bưởi mùa này đang sai trái. Nơi cổng ra vào là cây ổi đào và phía đầu hồi có cây cam còn ở sau nhà là hàng cau vươn mình trong nắng rất đẹp. Mỗi cảnh vật hay bất cứ đồ dùng gì trong ngôi nhà của Bác đều có thể kể với chúng ta một câu chuyện thấm đẫm tình người về một gia đình vô cùng đặc biệt trong đại gia đình Việt Nam. Một gia đình có người cha dẫu sinh ra trong cảnh nhà nghèo, bốn tuổi đã mồ côi cha, lận đận trong chuyện thi cử… vẫn vượt lên tất cả để sống xứng đáng với phẩm cách một nhà nho xứ Nghệ. Một gia đình có người mẹ thông minh, xinh đẹp lại thùy mị nết na, suốt đời yêu thương chăm lo cho chồng con đến phút cuối cuộc đời…Làm sao chúng ta không xúc động khi mà hình ảnh những chiếc võng, khung cữi hay bộ phản ngựa cũ kỹ ngày nào giờ vẫn còn phản phất hơi ấm của người.
Chúng tôi hòa vào dòng người nhẹ bước trên những con đường chạy dài theo khu di tích nhà Bác, ngắm nhìn những cảnh vật xung quanh và cứ để tâm hồn bay bỗng theo điệu hò xứ Nghệ ngân lên từ những chiếc loa nhỏ được gắn ở một góc vườn, hàng cây nào đó… lòng ngập tràn một cảm giác bình yên đến lạ. Cảnh vật này, đất đai này cùng bầu trời nơi đây và nét đặc trưng văn hóa từ làng sen Nam Đàn dường như đã kết tinh, hội tụ để hun đúc nên một nhân cách lớn, một nhà văn hóa, cách mạng kiệt xuất của dân tộc – Hồ Chí Minh.
Đặng Trương