Trang chủPODCAST Nhớ Tết quê

[PODCAST] Nhớ Tết quê

Chào mừng bạn đến với Podcast “Cafe 360” của Đài PT-TH Quảng Nam. Phát hành trên website qrt.vn, app QRT online, youtube Đài PT-TH Quảng Nam lúc 18h00 thứ Bảy hằng tuần; trên sóng phát thanh Đài PT-TH Quảng Nam tần số FM 97,6Mhz lúc 19h15’ cùng ngày, “cafe 360” sẽ là những lời tự sự, những tản mạn về cuộc sống… Mời các bạn đón nghe.

Bạn thân mến, xã hội phát triển, cách đón Tết Nguyên đán cổ truyền của người dân nhiều nơi cũng dần có sự thay đổi. Song, “Tết quê”, Tết truyền thống cùng với những nét riêng độc đáo vẫn còn mãi trong tiềm thức của không ít người, nhất là lớp người lớn tuổi…Cũng trong dòng cảm xúc đó, nhà báo Duy Uyên có bài viết “Nhớ Tết quê” gửi về cho chương trình. Hôm nay Podcast Café 360 mời các bạn cùng nghe những kí ức về cái Tết ở làng Tích Phước, xã Tiên Lộc, huyện Tiên Phước của chị, qua giọng đọc Thùy Dương.

Rời quê, tôi ra phố thị định cư cũng đã lâu rồi. Mỗi khi xuân về Tết đến, phố phường nhộn nhịp, người và xe ngược xuôi trên đường đông đúc hơn. Ai cũng vội vã tất bật. Ngắm nhìn mọi người qua lại trong những ngày cận Tết, bất giác tôi lại nhớ Tết ở quê tôi – làng Tích Phước nằm bên kia con sông Tiên hiền hòa thơ mộng. Sang xuân dòng nước trong xanh lững lờ trôi giữa đôi bờ nà bãi được phủ xanh bởi sắn khoai, rau đậu. Dẫu xa quê, nhưng tôi vẫn còn nhớ mãi Tết ở quê ngày ấy.

Mưa đền cây là cơn mưa lớn sau ngày 23 tháng 10 âm lịch. Mưa tắm gội những ngấn bùn, những vệt phù sa trên cây lá ven sông. Dân làng Tích Phước ra đồng làm vụ đông xuân. Công việc đồng áng xong xuôi cũng là thời điểm tháng 11 âm lịch vèo trôi và rồi tháng Chạp đến. Ngày xưa, để có cái Tết ấm cúng, sum vầy, đoàn viên, người dân quê tôi âm thầm chuẩn bị từ trước. Heo “làm hàng” được các bà các cô trong xóm bàn thảo, phân công người nuôi lúc cấy vụ hè thu. Gà, vịt, ngan, ngỗng… mỗi nhà tùy theo khả năng của mình mà “gầy đàn” từ thời điểm đó. Bước sang tháng Chạp, công việc chuẩn bị cho cái Tết của mỗi gia đình càng khẩn trương hơn.

Tôi vẫn còn nhớ, lúc bấy giờ tranh thủ những ngày trời nắng ráo, mẹ tôi xúc thóc gạo, thóc nếp trong bồ đổ ra nong phơi phóng giữa sân cho khô nỏ. Hồi đó chưa có máy xay xát gạo. Ăn cơm tối xong, năm chị em tôi cùng với mẹ xay giã giần sàng thóc gạo thóc nếp. Nhà nào trong xóm trong làng cũng vậy. Tiếng giã gạo chày đôi chày ba thậm thình tạo nên âm thanh trầm đều nghe thật vui tai. Bà cố tôi tuy đã ngoài tám mươi nhưng còn mạnh khỏe minh mẫn đảm nhận việc nhổ cỏ quanh sân, quanh nhà và quét dọn sạch sẽ để đón chào năm mới.

Rồi hạ tuần tháng Chạp ập tới. Đó cũng là lúc mọi người mọi nhà ở làng Tích Phước hối hả chạy đua với thời gian sắm sanh các loại bánh mứt. Gia đình tôi có lợi thế hơn là ngoài “ba ông anh, ông em đực rựa”, còn có năm chị em gái sàn sàn như nhau. Vì thế, xuân về Tết đến là dịp bà cố và mẹ tôi cho năm chị em tôi thi thố tài năng thực hành nữ công gia chánh. Gạo nếp đem ngâm vuốt nước để ráo rồi xay giã thành bột gói bánh. Tôi vẫn còn nhớ hồi đó nhà tôi cũng như bao nhà khác ở làng Tích Phước làm khá nhiều bánh. Nào bánh in, bánh khô khảo, bánh chần gầng, bánh ít lá gai. Nào bánh tổ, bánh tét, bánh ú, bánh tàu. Rồi các loại mứt “cây nhà lá vườn”. Nào mứt dừa, mứt gừng. Nào mứt bí đao, mứt khoai lang ruột đỏ. Và xôi đường, xôi vang. Với sự hướng dẫn bằng cách “cầm tay chỉ việc” của bà cố và mẹ, năm chị em tôi làm bánh mứt thành thục. Bà cố cười mãn nguyện. Thấy bà cố vui, năm chị em tôi trêu chọc. Bà cố “trả đũa” bằng cách chấm điểm sản phẩm làm ra của từng cô cháu gái kèm theo lời nhận xét mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười.

Thời gian như cánh thoi đưa. 28 tết. Cả làng Tích Phước chộn rộn hẳn lên. Tiếng gà cục ta cục tát đó đây. Tiếng heo kêu eng éc vang vọng khắp nơi. Đường làng tấp nập người qua lại nói cười hỉ hả. Họ đến nhà nuôi heo “làm hàng” để chia phần đã căn dặn từ trước đem về ăn Tết. Tục lệ này có từ bao giờ tôi không rõ và nó mang đầy tính nhân văn. Bởi khi bàn thảo giao cho ai đó trong nhóm nuôi heo “làm hàng”, các thành viên trong nhóm yên tâm cận Tết mổ heo lấy thịt đem về chế biến các món tùy thích. Thu hoạch xong vụ đông xuân họ mới đong lúa đem trả. Điều đó giúp cho những gia đình khó khăn đón chào năm mới với ba ngày xuân ngày Tết ấm cúng đủ đầy. Và nữa, trước khi xách những xâu thịt heo “làm hàng” về nhà, mọi người được gia chủ đăng cai thết đãi món cháo lòng thơm ngon kèm những ly rượu nếp quê tuyệt hảo. Vì thế, Tết ở quê đầy ắp tình làng nghĩa xóm. 28 Tết. Làng Tích Phước thật vui. Đàn ông con trai đi tát các ao đìa bắt cá rô, cá tràu, các giếc, cá trê… đem về chế biến các món ăn. Đàn bà con gái làm các món chuối chần, dưa hành, củ kiệu bới đầu, gói nem chua lá liễu để gia đình tiếp khách đến chơi nhà nhân đầu năm mới.

Tôi vẫn còn nhớ như in đêm Ba mươi Tết ở quê. Làng trên xóm dưới nhà nào cũng có bếp lửa nấu bánh tét bập bùng cháy sáng trước sân. 11 giờ đêm, ba tôi vớt những đòn bánh tét ra khỏi nồi rồi vào rửa ráy chân tay, thay quần áo thắp hương trên bàn thờ khấn vái gia tiên. Bà cố tôi ngồi trước hiên nhà, vừa nhai trầu bỏm bẻm, vừa đón đợi giao thừa xem con vật nào hót chào năm mới, đoán xem điềm lành đến với làng Tích Phước thế nào. Hồi đó quê tôi chim chóc nhiều lắm. Cất tiếng hót đón chào năm mới thường là chim cuốc, chim chàn nghịch, chim vít vịt và loài chim gì đó có tiếng hót là một chuỗi âm thanh ngân nga vui nhộn. Bây giờ ở quê các loài chim hoang đã đã bay đi đâu hết không còn. Và Tết ở quê cũng đã có nhiều đổi thay. Mọi người mọi nhà không còn tất bật lo toan sắm Tết cả tháng trời như xưa. Bởi các loại bánh mứt được bán đầy ở các chợ quê. Ngay cả bánh tổ, bánh tét cũng không thiếu. Cận Tết, người dân làng Tích Phước chỉ cần bỏ ra một buổi đi chợ huyện là coi như đã sắm xong tất cả thực phẩm cho cả nhà vui xuân đón Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc. Sự tiện lợi và đầy đủ “không thiếu thứ chi” trong việc mua sắm Tết bây giờ lại khiến tôi bâng khuâng nhớ những cái Tết ở quê của một thời chưa xa. Cực nhọc vất vả nhưng mà vui. Càng “ôn cố” tôi lại càng nhớ thời con gái đã qua.

Còn nữa, những ai sinh ra và lớn lên ở nông thôn hẳn không thể nào quên khi xuân về Tết đến là sáng Mùng 1 Tết, những cô bé cậu bé xúng xính trong bộ quần áo mới, giày dép mới, nón mũ mới, tay cầm những chiếc bong bóng đủ màu xanh, vàng, đỏ, tím… lon ton theo cha mẹ trên đường về nội về ngoại chúc phúc ông bà nhân dịp năm mới. Với riêng tôi, hình ảnh những cô bé cậu bé xinh đẹp như thiên thần, gặp ai cũng lễ phép vòng tay chào rồi nhoẻn cười thật tươi, luôn khắc sâu trong tâm khảm mình. Bởi các cô bé cậu bé đã góp phần làm cho cái Tết ở quê thêm sinh động và đầy màu sắc mùa xuân.

D.U

Bình chọn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

ĐỌC NHIỀU