Trang chủPhóng sựTrúng vụ cá hố

Trúng vụ cá hố

 

Vụ khai thác cá hố mới bắt đầu được gần một tháng qua nhưng ngư dân trên địa bàn tỉnh đã thu được sản lượng khá lớn, đem lại giá trị kinh tế cao.

Cá hố được ngư dân xã Tam Thanh khai thác rất nhiều trong thời gian gần đây.Ảnh: QUANG VIỆT
Cá hố được ngư dân xã Tam Thanh khai thác rất nhiều trong thời gian gần đây.Ảnh: QUANG VIỆT

Được mùa

Anh Phạm Văn Tân (thôn Hội Sơn, xã Duy Nghĩa) – chủ tàu cá QNa-93970 có công suất 220CV theo nghề câu cá hố cho biết, thường thì chuyến biển kéo dài trong vòng 10 ngày với 10 lao động, ngư trường câu cá hố là vùng biển Hoàng Sa. Khi đưa tàu đến tọa độ dự đoán có nhiều cá hố hoạt động, các lao động bủa câu trong phạm vi 10 hải lý, thường kéo dài từ lúc 2 giờ sáng đến 8 giờ tối. Mồi câu cá hố là cá kiềm được ngư dân mua với giá 400 nghìn đồng/thùng/10kg. Trung bình, mỗi chuyến biển tốn khoảng 70 thùng mồi câu. “Chuyến biển gần nhất kéo dài từ ngày 13 đến 23.10, chúng tôi câu được 2 tấn cá hố bán được 300 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí gần 50 triệu đồng, mỗi “bạn” được chia hơn 10 triệu đồng, còn lại là chủ tàu. Ông Phạm Văn Trình (thôn Hội Sơn, xã Duy Nghĩa) là bạn biển lâu năm trên tàu cá cho biết, ngư dân theo nghề câu cá hố phải đối diện với nhiều hiểm nguy vì thời tiết trong mùa biển động rất thất thường. Ở chuyến biển vừa qua, ông Trình được chia 10 triệu đồng sau 10 ngày đi câu. Ở huyện Duy Xuyên, nghề câu cá hố chỉ tồn tại duy nhất ở thôn Hội Sơn với gần 20 phương tiện tham gia.

Gần 1 tháng qua, ngư dân xã Tam Thanh (Tam Kỳ) cũng được mùa với nghề lưới cá hố. Khác với tập quán sản xuất của ngư dân các địa phương phía bắc, ngư dân xã Tam Thanh đánh bắt cá hố bằng lưới rê với mắt lưới nhỏ trên các phương tiện dưới 90CV, khai thác gần bờ. Mặc dù được mùa nhưng do cá hố thu được cỡ nhỏ nên giá bán thấp. Bà Huỳnh Thị Đỉnh (thôn Tỉnh Thủy, xã Tam Thanh) tham gia buôn cá hố lâu năm cho biết: “Từ đầu vụ đến nay, ngư dân địa phương và các vùng lân cận trúng cá hố. Tôi thu mua cá hố để về xẻ phơi khô. Mỗi ký cá hố tươi hiện tại có giá 20 – 25 nghìn đồng/kg”.

Khuyến khích khai thác ngư trường khơi

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản Quảng Nam, đến thời điểm này, ngư dân trên địa bàn tỉnh đã khai thác được 105 tấn cá hố. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 150 phương tiện khai thác cá hố.

Phường Cửa Đại là địa phương có nghề câu cá hố phát triển nhất TP.Hội An. Hiện tại, toàn phường có 42/135 phương tiện theo nghề câu cá hố. Tất cả tàu câu cá hố đều hoạt động xa bờ, nhiều tàu có công suất lên đến 718CV. Mỗi năm, nghề câu cá hố chiếm đến nửa sản lượng khai thác hải sản của địa phương. Điểm mạnh của nghề câu cá hố ở đây là ngư dân đánh bắt được cá hố cỡ lớn (thường được 3kg/con), lại có đầu mối tiêu thụ tại chỗ để bán cho thương lái xuất khẩu sang Trung Quốc, Thái Lan. Bà Nguyễn Thị Lệ (khối phố Phước Thịnh, phường Cửa Đại) thu mua cá hố nhiều năm nay cho biết, cá hố xuất khẩu phải là cá loại 1, cá phải tươi, to dài, bóng, không bị trầy xước. Cá hố đảm bảo tiêu chuẩn trên mà có trọng lượng càng lớn thì giá càng cao. Giá cá hố được đầu nậu thu mua ở phường Cửa Đại trong những ngày gần đây dao động 130 – 200 nghìn đồng/kg. Ông Lê Công Sỹ – Chủ tịch UBND phường Cửa Đại cho biết, nghề câu cá hố của ngư dân đang ăn nên làm ra lại hoạt động trên các vùng biển xa của Tổ quốc nên địa phương rất khuyến khích. Chính quyền hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để ngư dân hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ, qua đó tiếp cận cơ chế ưu đãi về vốn vay của Nhà nước để vay vốn đóng tàu công suất lớn, theo nghề câu cá hố.

Ông Võ Tấn Thành – cán bộ phụ trách Khai thác và phát triển nguồn lợi (Chi cục Thủy sản Quảng Nam) cho biết, vào mùa biển động, sóng càng nhóc (sóng dồi nhiều) thì ngư dân càng dễ câu được cá hố to. Cá hố là loài sống ở tầng đáy, ngư trường có độ chừng 50m. Tàu cá có công suất càng lớn thì càng thuận lợi trong câu cá hố vì gió trên các vùng biển xa luôn dao động ở cấp 6, cấp 7. Theo nghề câu cá hố, những ngư dân đầu tư được máy định vị và máy dò cá thì hoạt động thường có hiệu quả. Để phục vụ xuất khẩu, cá hố đòi hỏi phải đủ tiêu chuẩn nên ngư dân cần trang bị hầm bảo quản tốt. Ông Thành cho rằng, cá hố non sinh sống ở tuyến bờ và tuyến lộng nên với nghề lưới cá hố, ngư dân chỉ đánh bắt được cá nhỏ. “Cá hố non thường trú ẩn quanh các rạn san hô. Ngư dân khai thác được sẽ làm ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái tại đây, suy giảm nguồn lợi. Các địa phương cần tạo điều kiện để ngư dân tiếp cận vốn vay ưu đãi, cải hoán tàu công suất nhỏ hoặc đóng mới tàu công suất lớn, vươn khơi câu cá hố ở vùng biển xa bờ. Ngoài ra, các địa phương cũng có thể giúp ngư dân chuyển đổi nghề lưới câu cá hố sang làm dịch vụ hoặc nghề khác phù hợp” – ông Võ Tấn Thành nói. (Nguồn: baoquangnam.vn)

Bình chọn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

ĐỌC NHIỀU