Trang chủPhóng sựTình quân dân ở làng Pêtapoot

Tình quân dân ở làng Pêtapoot

Ngôi làng PêTaPoot nằm cách trung tâm xã Đắc Pring, huyện vùng cao Nam Giang gần 20km. Đây là ngôi làng bị lãng quên được Bộ đội biên phòng Đắc Pring phát hiện và giúp đỡ vào năm 1995, đến nay, ngôi làng đã có những bước phát triển đáng kể. Trong đó, vai trò của Trung úy Cor Trung cũng như cán bộ, chiến sĩ biên phòng tham gia dạy chữ cho con em, hướng dẫn bà con người Giẻ Triêng tăng gia sản xuất, xóa đói, giảm nghèo luôn thể hiện được mối tình quân – dân nơi biên cương của Tổ quốc.

 

tronmg lua

Các bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng Đắc Pring hướng dẫn người dân trồng lúa, chăn nuôi.

 

Thôn Pêtapoót, xã Đắc Pring, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam nằm sát biên giới tỉnh Sê Kông – Lào và tỉnh Kon Tum. Cả thôn có chín hộ với 37 người gồm các dân tộc: Giẻ Triêng, H’ẻe và Khơ Mú sống đùm bọc lẫn nhau và hầu như đã bị lãng quên vì chưa có một chế độ chính sách hỗ trợ nào được áp dụng cho vùng đặc biệt khó khăn này. Thấu hiểu được những khó khăn của ngôi làng vùng biên, lại nằm trên lãnh giới huyện Nam Giang, các chiến sĩ Đồn Biên phòng Đắc Pring ngay lập tức lên kế hoạch, xây dựng Pêtapoót trở thành Mô hình điểm sáng văn hóa vùng biên Cụm dân cư Pêtapoót. Trong số cán bộ, chiến sĩ của Đồn biên phòng Đắc Pring tham gia làm công tác dân vận, giúp dân tiên phong đi đầu phải kể đến thầy giáo mang quân hàm xanh – Trung úy Cor Trung, một cán bộ vận động quần chúng năng nỗ của biên phòng. Trung úy Cor Trung-Đồn biên phòng Đắc Pring-Nam Giang-Quảng Nam cho biết: Sau khi lên công tác cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân, tôi tham mưu cho đơn vị và địa phương xây dựng Trạm để mở lớp xóa mù chữ, lúc đó hầu như đồng bào không biết chữ, tôi đã nghiên cứu dạy chữ đến nay bà con đã biết đọc, biết viết.

 

bay chu

Các bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng Đắc Pring dạy chữ cho đồng bào.

 

Điều đáng nói, mỗi khi muốn đến được làng Pêtapoót phải lội qua con suối nước chảy xiết vô cùng nguy hiểm, nhưng các bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng Đắc Pring không quản ngại khó khăn, gian khổ, tận tụy băng rừng, vượt suối giúp dân. Ban ngày thì hướng dẫn người dân dùng phân bón lúa, làm chuồng, trại, mở rộng chăn bò, dê, làm lúa nước còn vào ban đêm vận động từ già đến trẻ em đến Trạm để được học văn hóa, xóa mù chữ. Hiện Cụm dân cư được quy hoạch bài bản, sạch sẽ, gọn gàng. 9 hộ dân đã thoát khỏi cảnh sống tối tăm trong những túp lều tạm bợ để về với căn nhà mới do Bộ đội biên phòng xây, có điện, có đường, có trường, bản, có ti vi và mỗi tối lại vang lên tiếng giảng bài, học chữ. Nhiều học sinh đã theo học các trường nội trú dân tộc, trong đó có cả học sinh thi đậu đại học. Ông Hiên Nhơm – Chủ tịch UBND xã Đắc Pring, Nam Giang cho biết thêm: Trong quá trình dạy xóa mù chữ, kể cả người lớn, trẻ em, cán bộ thường dành thời gian dạy vào buổi chiều, còn thời gian để người dân đi làm. Nhờ vậy, nhiều chú, nhiều bác sinh năm 1962 cũng biết đọc, biết viết. Điều đó thật đáng mừng. Đây là thành quả của biên phòng nói chung, đồn biên phòng Đắc Pring nói riêng luôn chú trọng đến Peetapoot.

Trong những ngày giáp tết nguyên đán Bính Thân, cán bộ, chiến sĩ biên phòng Đắc Pring sẽ kêu gọi các cơ quan, đơn vị, các nhà hảo tâm ưu tiên dành nhiều phần quà thiết thực để đến với bà con là Pêtapoot có được cái tết đầm ấm hơn. Những giọt mồ hôi và sương đêm còn ướt đẫm người cán bộ, chiến sĩ biên phòng, nhưng các anh đã mang đến cho bản làng, cho mỗi gia đình làng Pêtapoot một niềm hy vọng, niềm tin yêu đối với những anh Bộ đội Cụ Hồ nơi núi rừng biên cương.

 

Viết Tuyên

Bình chọn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

ĐỌC NHIỀU