Nhiều địa phương miền núi đang tận dụng nguồn lực đất rừng dồi dào để phát triển cây dược liệu, xem đây là giải pháp để giảm nghèo bền vững.
Ông Hồ Văn Nhiêu, đồng bào Ca Dong (xã Trà Leng, Nam Trà My) tại vườn sa nhân dưới tán rừng. Ảnh: TR.N |
Sở hữu hàng nghìn cây quế hơn 15 năm tuổi, nhưng với hộ ông Hồ Văn Nhiêu, đồng bào Ca Dong (xã Trà Leng, Nam Trà My) có được đồng ra đồng vào là từ cây sa nhân trồng xen kẽ với cây quế trong rừng. Ông Nhiêu nói: “Quế và sa nhân đã giúp gia đình tôi có nguồn thu nhập ổn định. Cây sa nhân dễ bán, có thể đổi thịt cá ăn hàng ngày”. Chính quyền xã Trà Leng cho biết, các thôn trên địa bàn đều trồng quế, nhiều nhất là thôn 1 trồng quế xen lẫn với cây sa nhân. Mấy năm nay nhiều hộ đã thoát nghèo, có hộ khá giả là nhờ quế, sa nhân. Năm 2016 xã trồng hơn 300 nghìn cây quế, diện tích vùng trồng 722,5ha (chiếm hơn 25,2% diện tích quế toàn huyện). Trà Leng là “thủ phủ” của quế Trà My không chỉ bởi diện tích lớn mà còn ở năng suất, giá trị kinh tế.
Để phát triển mạnh cây dược liệu, đặc biệt là sâm Ngọc Linh dưới tán rừng, Nam Trà My đã quy hoạch vùng trồng bài bản và hiện có 6 doanh nghiệp đầu tư trồng 70ha sâm Ngọc Linh. Chính quyền mạnh dạn tái tạo và trồng mới rừng tại vùng đệm, công nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp đến từng hộ dân, và người dân tự nguyện liên kết thành nhóm bảo vệ, phát triển rừng, được hưởng chế độ hỗ trợ của Nhà nước. Năm 2017 Nam Trà My tập trung gieo ươm hỗ trợ giống dược liệu 200.000 cây các loại, 500 – 600 nghìn cây quế. Vùng trồng sâm dưới tán rừng được tiếp tục trồng tại các xã Trà Linh, Trà Cang và Trà Nam. Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Nam Trà My, số lượng sâm Ngọc Linh trồng trong nhân dân tại 3 xã trên lên tới 1.133ha với 779 hộ tham gia. Mô hình vườn ươm chủng loại cây giổi, sơn tra, sao đen… xuất hiện nhiều trên nương rẫy, trong các khu rừng nghèo để dần hình thành khu rừng vòng ngoài che chắn cho vùng lõi quy hoạch sâm. Theo kế hoạch, đến năm 2018 UBND huyện Nam Trà My sẽ hoàn thành giao rừng cho hơn 4.000 hộ dân. Theo Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My – Hồ Quang Bửu, không ai giữ rừng tốt bằng người dân bản địa. Khi được giao rừng, người dân tích cực chăm sóc và phát triển rừng một cách tự nguyện. Khi rừng đa dạng hệ sinh thái sẽ có cơ hội phát triển các loại cây dược liệu quý hiếm. Thời gian qua, sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, người dân ở các xã Trà Linh, Trà Cang, Trà Nam đã tự giác thành lập các nhóm gia đình trồng cây phát triển rừng, thành lập các chốt trong rừng để trồng sâm và ngăn người lạ vào khai thác trái phép gỗ, cây dược liệu. Chủ trương giao rừng đã nhận được sự đồng thuận, tích cực hưởng ứng của người dân.
Không chỉ phát triển mạnh ở vùng cao, gần đây một số xã của huyện Hiệp Đức cũng đầu tư trồng cây dược liệu dưới tán rừng. Hiện tại dự án phát triển và chế biến vùng dược liệu sạch rộng 200ha ở xã Sông Trà đang triển khai đầu tư. Chủng loại cây trồng đa dạng gồm các loại cây như ba kích tím, cà gai leo, đinh lăng… gắn với đầu tư nhà máy chế biến. Ông Nguyễn Như Công – Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức khẳng định, địa phương đang tích cực đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh – sạch, kèm theo đó là hình thành vùng dược liệu quy mô lớn, đủ cung cấp cho nhà máy chế biến, tạo ra những sản phẩm trà thảo dược, nước giải khát, thực phẩm chức năng, cao thuốc… (Nguồn: baoquangnam.vn)