Trang chủPhóng sựPhát hiện loài tre lớn nhất Việt Nam

Phát hiện loài tre lớn nhất Việt Nam

Cây tre ở làng quê đã quá đổi thân quen với đời sống người dân Việt Nam. Tre đem lại rất nhiều lợi ích cho sinh hoạt của mọi gia đình từ làm nhà cửa, vật dụng sinh hoạt, phục vụ nông nghiệp cho đến chống giặc ngoại xâm. Theo nghiên cứu của Viện hàn lâm khoa học Việt Nam thì ở nước ta hiện có khoảng 150 loài tre đã được định danh. Song có một loài tre mới phát hiện ở huyện miền núi Nam Trà My khá lạ, chưa được giới khoa học chuyên ngành biết đến. Loài tre này có chu vi thân lên đến nửa mét.

 

tre meng

Loại tre này lóng rất to nên sử dụng làm đồ dùng phục vụ sinh hoạt rất hữu ích.

 

Tại khu vực núi Ngók Cung thuộc làng Long Riêu thôn 5 xã Trà Nam huyện miền núi Nam Trà My đang bảo tồn một loài tre gai khổng lồ mà không nơi nào có được. Loài tre này có hình thù rất giống với tre gai dưới đồng bằng. Tuy nhiên về kích thước thì lại có thân cao chừng 25 m, đường kính 20 cm, lóng dài 50cm, vách thân dầy 2cm, chu vi trung bình mỗi lóng tre đạt khoảng 0,5 mét. Búp măng có kích thước to hơn và đặc biệt là có màu đỏ rực, không giống như màu vàng của các loài tre khác. Tính về kích thước thì có lẽ ở Việt Nam cho đến nay vẫn chưa có loài tre nào cao to bằng loài tre gai ở Nam Trà My này. Mỗi bụi tre có chừng trên 300 cây mọc đan xen dày đặc và gai quấn um tùm rất khó cho việc khai thác. Theo dân làng Long Riêu cho biết, loài tre khủng này chỉ có duy nhất tại núi Ngók Cung với số lượng chưa tới 10 bụi. Vì quá to và nặng nên người Xê Đăng nơi đây chỉ khai thác một vài cây để lấy các lóng làm những vật dụng phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Nhờ đó nên đến nay loài tre khủng này được bảo tồn một cách nguyên vẹn. Ông Trần Văn Thạch – Xã Trà Nam, huyện Nam Trà My, Quảng Nam cho biết: loại tre này sử dụng làm đồ dùng sinh hoạt rất hữu ích như dùng làm gối nằm, bình đựng nước uống … và chỉ tại khu vực núi Ngók Cung  mới có loại tre này.

 

su dung vat

Những lóng tre được đồng bào dùng để đựng nước uống và làm những vật dụng phục vụ sinh hoạt hằng ngày.

 

Cả làng Long Riêu có khoảng 12 hộ gia đình nên mỗi năm chỉ cần đốn một cây tre là có thể đáp ứng nhu cầu sắm đồ dùng cho các hộ. Các lóng tre khủng này có thể tích trung bình hơn 6 lít, chủ yếu được bà con chế tác thành những vật dụng hữu ích như bình đựng nước, đựng hạt giống, mật ong rừng, làm gối ngũ hoặc đựng những gia sản quý giá của gia đình. Đặc biệt, những lóng tre này được khá nhiều hộ gia đình dùng để chứa nước uống mỗi khi đi làm nương rẫy.

 

Bà con Xê Đăng cho biết là măng của loài tre khủng này ăn rất ngon, có vị ngọt và giòn. Được biết, cho đến thời điểm này ở nước ta chưa có một loài tre nào lại có chu vi thân lên đến 0,5 mét như loài tre nói trên. Mặc dù mọc hoang dại trong rừng sâu nhưng vẫn được đồng bào Xê Đăng nơi đây bảo vệ một cách nghiêm nghặt. Trong khí thế tưng bừng của những ngày đầu năm mới, dân làng Long Riêng lại vào núi Ngók Cung khai thác các lóng tre khủng này về tổ chức nghi lễ cúng máng nước để cầu mong một năm mới may mắn, an lành, mùa màn bội thu.

 

Hoàng Thọ – Tuấn Tú

Bình chọn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

ĐỌC NHIỀU