Từ nhiều đời nay, người Cơtu tại huyện Tây Giang, Quảng Nam luôn tự hào và quyết tâm bảo vệ cánh rừng Pơmu cổ thụ. Quần thể Pơ mu vẫn còn nguyên giá trị của nó, hàng nghìn, hàng triệu cây cổ thụ được bảo vệ nghiêm ngặt. Song có một điều không phải ai cũng biết, để tổn tại khu rừng này đến ngày hôm nay thì những chủ nhân của nó đã cất công gìn giữ, bảo vệ như thế nào.
Quần thể pơ mu cổ thụ có hơn 2.000 cây được chính quyền địa phương và đồng bào Cơtu bản địa quyết tâm gìn giữ, bảo vệ. |
Kể từ khi rừng cây Pơmu quý hiếm được phát hiện, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng cường công tác bảo vệ. Với địa bàn quản lý rộng hơn 31.000 ha nên công tác tuần tra bảo vệ rừng nói chung và quần thể pơ mu nói riêng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, lực lượng Kiểm lâm trên địa bàn huyện không ngại rừng sâu, núi cao vẫn luôn hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ giữ rừng. Hiện quần thể rừng Pơmu trải rộng khoảng 400 ha, nhiều cây được xác định khoảng 1.000 năm tuổi. Quần thể pơ mu cổ thụ ngày được đánh giá là một trong những rừng cây gỗ quý hiếm nhất còn sót lại ở vùng miền Trung – Tây Nguyên.
Cây pơ mu cổ thụ này có đường kính gần 3 mét, khoảng 10 người mới có thể ôm trọn thân cây này. |
Ông Đinh Văn Hồng- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Bắc Sông Bung, huyện Tây Giang cho biết: “Trong những năm qua, lực lượng Kiểm lâm trên địa bàn không ngại khó khăn để bảo vệ rừng Pơ mu quý này. Hiểu sâu sắc tầm quan trọng của quần thể Pơ mu, chúng tôi sẽ ra sức giữ cho được không những thế hệ này mà còn cho thế hệ sau vẫn còn quần thể này”.
Một cách làm hiệu quả của chính quyền địa phương là gắn việc bảo vệ rừng với văn hóa làng, văn hóa giữ rừng. Trên tinh thần đó lực lượng kiểm lâm, biên phòng phối hợp với nhân dân để gìn giữ rừng Pơmu nguyên sinh này. Theo đó, ngoài các chốt trực của lực lượng kiểm lâm địa bàn, huyện Tây Giang còn huy động và phối hợp với lực lượng dân quân, người có uy tín của đồng bào bản địa cùng tham gia bảo vệ, tránh để rừng cây pơmu bị xâm hại.
Ông Lê Hoàng Linh – Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết thêm: Pơ mu là quần thể di sản được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận, hiện nay chúng tôi xác định bảo vệ và quản lý chặt chẽ khu vực rừng này để khai thác tiềm năng có trong quần thể, thời gian qua địa phương đã triển khai thành lập tổ quản lý bảo vệ rừng phối hợp với lực lượng kiểm lâm tăng cường các biện pháp tuần tra kiểm soát và kịp thời sử lý trường hợp vi phạm.
Suốt hàng trăm năm, rừng cây vẫn xanh tươi bóng mát, minh chứng cho công sức gìn giữ của chính quyền và đồng bào dân tộc ở Tây Giang. “Vương quốc pơmu” bây giờ không còn xa, khi con đường mới được mở vào rừng. Tương lai không xa, “vương quốc pơ mu” ở Tây Giang sẽ là điểm đến của những người yêu rừng, quý rừng, xem rừng là sự sống.
Duy Bình