Trang chủPhóng sựNguy cơ sạt lở từ hoạt động hút cát

Nguy cơ sạt lở từ hoạt động hút cát

 

Bên cạnh sự tác động của thiên tai, việc nhiều ghe thuyền ngang nhiên hút cát khiến cho tình hình sạt lở ven sông Thu Bồn, đoạn qua khu vực thôn Giao Thủy (xã Đại Hòa, Đại Lộc) diễn ra nghiêm trọng khiến người dân lo lắng.

Xuất hiện nhiều ghe hút cát

Thôn Giao Thủy, xã Đại Hòa hiện có 218 hộ dân sinh sống. Nhiều năm qua, khu vực này hứng chịu những đợt sạt lở nặng nề do thiên tai, bão lũ khiến hàng trăm héc ta đất mỡ màu ven sông Thu Bồn của thôn bị nước cuốn trôi. Trước sự xâm thực nặng nề của sông, chính quyền địa phương từng có phương án hỗ trợ di dời 7 hộ dân vùng có nguy cơ cao đến nơi an toàn. Song chỉ mới 2 trong 7 hộ đã dời đi, được hưởng cơ chế hỗ trợ, 5 hộ còn lại vẫn phải ở lại vì chưa được hưởng cơ chế hỗ trợ theo quy định. Ba năm gần đây không có lũ lớn, hiện tượng sạt lở có phần giảm so với trước, song người dân chưa kịp thở phào nhẹ nhõm thì sát cây cầu Giao Thủy đang xây dựng xuất hiện bãi tập kết cát của doanh nghiệp khai thác mỏ tại Giảng Hòa (Đại Thắng). Cách khu vực này không xa về hướng đông chừng một cây số, đoạn giữa thôn Giao Thủy, mỗi ngày có 4 – 5 ghe thuyền neo đậu, hút cát.

Ghe thuyền hút cát trong vùng không được cấp phép ở giữa thôn Giao Thủy. Ảnh: H.Liên
Ghe thuyền hút cát trong vùng không được cấp phép ở giữa thôn Giao Thủy. Ảnh: H.Liên

Có mặt trên đoạn sông dài chừng 1km này ngày 6.10, chúng tôi chứng kiến 3 – 4 ghe thuyền đang neo đậu, ngang nhiên hút cát trái phép ngoài sông. Ông Nguyễn Văn Ngạnh (trú thôn Giao Thủy) nói: “Bờ sông thì cứ sạt lở, còn họ hút cát theo kiểu tận thu như vậy. Nếu không xử lý dứt điểm thì tương lai nơi đây không chỉ mất đất sản xuất, dân chúng tôi cũng sẽ không còn nơi để ở”. Cạnh đó, ông Nguyễn Văn Tình tiếp lời: “Ban ngày họ khai thác rồi, nhưng ban đêm, nhất là giai đoạn gần sáng, họ cũng nổ máy ngoài sông. Có bữa, phát hiện ghe phà đang hút cát, bà con điện báo chính quyền đến xử lý. Nhưng xử lý rồi thì đâu lại vào đấy, vẫn không chấm dứt được. Khi các đoàn đại biểu quốc hội về tiếp xúc cử tri, chúng tôi kiến nghị nhiều lần, song chưa thấy hiệu quả”.

Khó xử lý

Trao đổi với PV Báo Quảng Nam, bà Nguyễn Thị Thuận – Chủ tịch UBND xã Đại Hòa cho hay: “Tình trạng sạt lở ở thôn Giao Thủy vùng sát sông Thu Bồn diễn ra mạnh nhất vào giai đoạn những năm 1998-1999, cả hàng trăm héc ta đất sản xuất ven sông đã mất. Hiện nay, vùng tập kết cát ở đầu thôn Giao Thủy lại không thuộc phạm vi quản lý của xã. Còn về tình trạng khai thác trái phép như bà con phản ánh, chúng tôi sẽ kiến nghị vấn đề này lên các cơ quan chức năng”. Trong khi đó, ông Trương Văn Huấn – Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Đại Lộc cho rằng, cách đây không lâu, nhân dân có phản ánh việc hút cát trái phép nhưng khi Phòng TN&MT cử cán bộ phối hợp với lực lượng công an xuống kiểm tra thì không có. Ông Huấn cho rằng, ở khu vực bến đò Giao Thủy và thôn Giao Thủy, không có mỏ cát nào được cấp phép mà chỉ có hai mỏ cát tại thôn Giảng Hòa (xã Đại Thắng) được cấp cho hai công ty Tân Phước Yên và An Lạc Viên. Hai đơn vị này sử dụng bến Giao Thủy làm bãi tập kết vật liệu, đưa cát từ mỏ trên xuôi về đây. “Mọi sự khai thác ở khu vực này đều là trái phép và phải bị xử lý. Thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 17 của UBND tỉnh về tăng cường kiểm tra, truy quét, đẩy đuổi tình trạng khai thác cát trái phép và lực lượng công an sẽ chủ trì việc này. Còn việc tuần tra, xử lý tại chỗ trước hết thuộc về các xã/thị trấn, các đơn vị này phải tăng cường quản lý trên địa bàn mình. Nếu để xảy ra vi phạm thì trước hết các xã/thị trấn phải chịu trách nhiệm trước tiên vì quản lý lỏng lẻo” – ông Huấn nói.

Ông Huấn cho biết thêm, bất cứ khu vực mỏ nào được cấp phép đều có quy trình, trải qua nhiều cấp, nhiều đơn vị chức năng khảo sát và doanh nghiệp cũng đã phối hợp với chính quyền triển khai họp dân và được nhân dân đồng thuận. Hơn nữa các mỏ này phải nằm trong vùng quy hoạch của tỉnh. Nguy cơ tác động đến vùng dân sinh đã được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng. Trường hợp nếu phát hiện có sạt lở thì việc khai thác sẽ tạm dừng để đánh giá lại. Hoặc khi có nghi vấn, sẽ cho kiểm tra, bấm lại tọa độ, cột mốc, bản đồ. Các đơn vị đều phải đảm bảo thời lượng khai thác quy định 6 giờ sáng và kết thúc vận chuyển lúc 6 giờ chiều… (Nguồn: baoquangnam.vn)

Bình chọn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

ĐỌC NHIỀU