Thôn Phước Mỹ 3 chỉ nằm cách trung tâm thị trấn Nam Phước, huyện Duy xuyên chưa đầy 2 cây số, nhưng hơn 10 năm nay 100 hộ dân nơi đây muốn qua lại thị trấn đều phải đi qua cây cầu phao đã xuống cấp nghiêm trọng.
Cây cầu phao xuống cấp nghiêm trọng gây nguy hiểm đến tính mạng người dân nhất là khi mùa mưa lũ đến gần. |
Cây cầu phao bắt qua sông Thu Bồn nối liền thôn Phước Mỹ 3 với thị trấn Nam Phước. Cây cầu có chiều dài khoảng 180 m, được người dân và chính quyền huyện Duy Xuyên thiết kế từ năm 2001 bằng những thùng phi và lát ván lên trên. Đến nay cây cầu đã xuống cấp nghiêm trọng. Để qua được thị trấn, hằng ngày hàng trăm con người phải chấp nhận đánh đu với “tử thần” nếu không muốn đi vòng một đọan đường dài hơn 10 cây số. Em Phạm Thị Phước Hiệp, Học sinh trường THCS Chu Văn An, huyện Duy Xuyên cho biết: Vừa rồi tụi em đi học về có một bạn sơ ý bị trượt chân ngã xuống, may là nhờ có mấy chú ở gần giúp dùm. Bà Nguyễn Thị Bảy, Thôn Phước Mỹ 3, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên cũng cho biết: Tới vụ mùa thu hoạch, dân chở xe lúa qua hay rớt, có người chở qua xe lúa qua đổ hết xuống sông. Cây cầu vừa nhỏ vừa xuống cấp nên phải chờ chiếc xe chở rơm bên này qua thì xe bên kia phải ngừng.
Các em học sinh hằng ngày phải qua cây cầu phao này. |
Mặc dù sống bên này đầu cầu nhưng tất cả đất sản xuất của người dân lại nằm bên kia đầu cầu vì thế cây cầu cũng là con đường chính vận chuyển rơm rạ, phân bón trong những ngày mùa.
Ông Phạm Xăng Thôn Phước Mỹ 3, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên tâm sự: Cầu này làm lâu lắm rồi, mỗi năm đều phải góp công, góp của tu sửa nhưng năm nào cũng như vậy đến mùa mưa lũ là hư hỏng hết.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên, Q.Nam cho biết thêm: Thị trấn Nam Phước cũng đã khởi động công trình làm cầu chìm, đã mời đơn vị về vẽ thiết kế, dự toán trên cơ sở đó làm việc với huyện xin nguồn từ tỉnh, huyện, thị trấn và vận động nhân dân.
Lượng nước từ đầu nguồn Thu Bồn đổ về càng nhiều do mưa lớn trong mấy ngày qua làm cây cầu cũng oằn mình vì bèo và rác. Để bảo vệ cây cầu, cũng là bảo vệ chính mình, người dân đành tháo một đầu dây để nó trôi theo dòng nước. Nếu nước lũ có về cuốn trôi cây cầu thì khi nước rút những con người nơi đây lại hì hục chắp vá để nối lại cây cầu vì đây là con đường chính phục vụ việc đi lại và sản xuất của họ. Mong ước có cây cầu kiên cố thì người dân chưa biết đến bao giờ mới thành hiện thực.
Xuân Hiếu – Thanh Nhất