Tai nạn giao thông đường thủy thường gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản; nhưng hiện nay, nhiều người dân, chủ phương tiện chuyên chở khách qua sông tại bến đò xã Cẩm Kim, thành phố Hội An, vẫn còn chủ quan và thờ ơ với những biện pháp an toàn.
Tai nạn giao thông đường thủy thường gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản; nhưng hiện nay, nhiều người dân, chủ phương tiện chuyên chở khách qua sông tại bến đò xã Cẩm Kim, thành phố Hội An, vẫn còn chủ quan và thờ ơ với những biện pháp an toàn. Tình trạng này càng đáng báo động hơn khi Hội An là một thành phố du lịch với nhiều du khách trong và ngoài nước.
Hành khách không mặc áo phao khi đi đò. |
Bến đò Hội An tồn tại hàng chục năm nay, cứ khoảng 30 phút, những chiếc đò lại nhổ neo đưa khách đến bến xã Cẩm Kim và vùng lân cận. Chiếc đò tròng trành theo những bước chân người dân lên, xuống thuyền. Nhưng không chỉ người mà còn cả hàng hóa, xe máy lần lượt được đưa lên, khiến con đò cũ kỹ oằn mình trước sức nặng quá tải. Do con đò trang bị thô sơ nên khi lượng khách vượt quá số lượng cho phép, phần lớn khách phải đứng chen chúc nhau mới có thể yên vị vượt khúc sông đang bập bềnh sóng nước. Khi gặp dòng nước siết hay gió to, con đò lại chòng chành mà người yếu tim cũng phải dợn mình.
Trên nóc đò, những chiếc áo phao cũ được để trong lớp lưới có dây cài chắc nịch. Một phần trong số đó cũng đã “hết hạn sử dụng”. Thử hình dung, khoảng 20 áo phao dùng cho hơn 50 người. Mà chưa chắc đã lấy được nếu lỡ đò chìm vì cái nào cũng được quấn dây kỹ càng trên nóc. Ông Nguyễn Duy Tân Chủ phương tiện lái đò cho biết: Cũng có nhắc nhỡ nhưng hành khách không chịu mặc áo phao
Thượng tá Nguyễn Văn Phấn – Phó Trưởng phòng CSGT Công an Quảng Nam cho biết thêm: Đã triển khai lực lượng, phối hợp với các ngành chức năng kiểm soát tuyến sông và tuyên truyền luật giao thông đường thủy nội địa cho những người tham gia giao thông.
Hằng này hàng nghìn lượt người qua lại bến đò xã Cẩm Kim. |
Đây là tuyến đường thủy duy nhất nối liền giữa xã Cẩm Kim và một số khu vực của huyện Duy Xuyên với thành phố Hội an, và hằng ngày có tới hàng nghìn lượt người qua lại. Người dân đi đò không mặc áo phao vì sợ bẩn. Cứ thế, trên những chiếc ghe, đò tròng trành, hàng nghìn lượt người qua lại mỗi ngày vẫn vô tư tươi cười, dù họ vẫn biết hiểm nguy cận kề. Một thực tế cho thấy tại Quảng Nam, các bến đò ngang hoạt động tự phát không đăng ký, đăng kiểm, người điều khiển không có chứng chỉ lái đò vẫn tồn tại, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông. Nhiều địa phương như Núi Thành, Đại Lộc, Nông Sơn, Quế Sơn, Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An nhiều tuyến đò ngang tự phát và không phép vẫn ngang nhiên hoạt động. Lực lượng chức năng cũng thường xuyên ra quân tuyên truyền, vận động, xử phạt nhưng không lâu đâu cũng lại vào đấy. Do vậy, “văn hóa giao thông” ở những chuyến đò ngang trước mắt vẫn trông chờ vào ý thức của chủ phương tiện và người đi đò.
Như Ý