Cách đây 400 năm, làng Phước Kiều, xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, từng là một làng đúc đồng nổi tiếng dưới thời triều đình nhà Nguyễn. Trãi qua những biến động của thời gian, làng nghề dường như đã bị rơi vào quên lãng. Để tiếp nối những tinh hoa tiền nhân đã lưu dấu trên mảnh đất này, nhiều nghệ nhân nơi đây vẫn cố gắng giữ cho ngọn lửa của làng đúc Phước Kiều không bao giờ tắt. Trong số đó phải kể đến nghệ nhân Dương Ngọc Thắng.
Ròng rã suốt 6 tháng nay, làng nghề truyền thống Phước Kiều, ở xã Điện Phương, đã cho ra đời tác phẩm cá ngựa và nữ thần bằng đồng. Tác phẩm độc đáo này có cấu trúc gồm con cá ngựa chiều ngang dài 3,2 m và bức tượng nữ thần ngồi trên con cá ngựa chiều cao gần 4 mét… Tổng trọng lượng bộ tác phẩm gần 2 tấn. Đây được xem là tác phẩm có kích cở lớn nhất và độc nhất từ trước đến nay.
Để có sản phẩm độc đáo này, làng đúc Phước Kiều đã phải huy động gần 20 nghệ nhân và thợ làng nghề thực hiện nhiều công đoạn chi tiết như: nhồi đất, làm bìa, giáp khuôn, thét khuôn, pha chế kim loại vv… và hoàn thành trong suốt thời gian 6 tháng, tiêu tốn gần 2 tấn đồng. Sau khi hoàn thành sản phẩm sẽ được bàn giao và được trưng bày tại khu du lịch đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Từ nhiều năm nay, sản phẩm của làng đúc Phước Kiều, thuộc Công ty TNHH Làng đúc Phước Kiều Dương Ngọc Thắng có mặt ở nhiều chùa, khu du lịch trong và ngoài nước, các sản phẩm có trọng lượng lớn và độc đáo như: trống đồng, súng thần công, đồng hồ nước, đài phun nước, chuông đồng, tượng Hải Long Vương vv…
Có thể thấy, với sự tìm tòi sáng tạo, mở lối đi riêng, nghệ nhân Dương Ngọc Thắng vẫn luôn là mạch nguồn tiếp nối sự sống cho nghề truyền thống cha ông để lại. Và những sản phẩm độc đáo này không đơn thuần là xác lập kỷ lục mà trên hết là giá trị tinh thần văn hóa khi nghề truyền thống của cha ông và dân tộc vẫn được gìn giữ và phát huy lên tầm cao mới từ đôi bàn tay và khối óc của những nghệ nhân ngày đêm miệt mài giữ lửa.
Phạm Lộc