Những ngày này cả nước đang hết sức phấn khởi chào đón sự kiện kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Đây là chiến thắng vĩ đại, trận quyết chiến chiến lược đã đập tan tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của thực dân Pháp ở Đông Dương. Chiến thắng Điện Biên Phủ quyết định trực tiếp đến kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp “Chín năm làm một Điện Biên/ nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”. Đây cũng là cơ sở vững chắc đưa miền Bắc đi lên CNXH, làm cơ sở vững chắc cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Bác Lê Văn Thạo và ký ức về những tháng năm không thể nào quên. |
60 năm trôi qua nhưng âm vang Điện Biên không tắt. Những người lính ở tuổi đôi mươi khi tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ nay đã ở cái tuổi “người xưa nay hiếm. “Song với họ ký ức về ngày năm tháng oai hùng đó vẫn mãi sống trong con tim nhiệt huyết cách mạng, một thời tuổi trẻ quyết xả thân vì lý tưởng “không có gì quý hơn độc lập tự do”. Và với người cựu binh sinh ra từ miền quê Yên Định, tỉnh Thanh Hoá này cũng vậy. 22 tuổi đã vào quân đội tham gia công tác ở Quân viện K72 – quân viện lớn nhất miền Bắc lúc bấy giờ. Tuy không trực tiếp tham gia ở chiến dịch Điện Biên Phủ nhưng ông là người đảm nhiệm việc chăm sóc thương binh từ chiến dịch này đưa ra. Cơ sở đón thương binh là khu rừng thuộc huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá bên cạnh dòng sông Bưởi.
Ông Lê Văn Thạo –Khối phố 4 phường An Sơn, thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam cho biết: Lúc ấy thiếu thốn đủ thứ, thuốc men không có bao nhiêu, anh em binh lính dù bị thương cũng rất chịu đựng khắc phục hoàn cảnh hoàn thành nhiệm vụ.
Trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ có hàng vạn công dân, dân công hoả tuyến, cán bộ, chiến sĩ mọi vùng đất nước tham gia đóng góp sức người, sức của cho cuộc chiến vĩ đại. Bà Dương Thị Hồi ở phường An Mỹ TP Tam kỳ vinh dự đảm nhiệm công tác y tế cứu thương. Vào chiến dịch được thời gian ngắn bà Hồi được đưa về tuyến sau cứu chữa thương binh vòng ngoài sau chiến thắng Điện Biên Phủ tại Cao Bằng. Là người con trong gia đình có truyền thống cách mạng, cả 6 chị em bà đều vào bộ đội, với bà đây là niềm tự hào, trách nhiệm thực thụ của một người lính.
Bà Dương Thị Hồi khối phố 5 phường An Mỹ, thành phố Tam Kỳ Quảng Nam cho biết thêm: Tuy gian khổ nhưng tinh thần anh em rất khí thế, làm việc không biết mệt, thấy bộ đội bị thương là túc trực ca đêm ca ngày từ y tá, hộ ý đến cấp dưỡng phục vụ tận tình.
Qua câu chuyện của 2 chiến sỹ quân y ở chiến dịch Biện Biên Phủ năm xưa được biết, do hầu hết các chiến sĩ quân y tham gia chiến dịch chủ yếu đang là sinh viên mới ra trường nên đa số họ chưa có điều kiện thực hành. Những y tá, y sĩ nhưng phải đảm nhiệm cương vị của bác sĩ phẫu thuật nên rất khó khăn nhưng họ đã thành công. Và chính thành công đó cũng góp một phần cho chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi.
Văn Trường – Duy Bình