Năm học mới đã bắt đầu được một thời gian nhưng nhiều học sinh các cấp học tại huyện Nam Trà My vẫn thiếu sách giáo khoa (SGK); trong khi đó một số học sinh huyện Tây Giang, Phước Sơn, Nam Giang phải học sách cũ rách.
Nam Trà My thiếu sách
Đã hơn nửa tháng từ khi khai giảng năm học mới tuy nhiên ở thời điểm hiện tại tình trạng thiếu hụt SGK vẫn xảy ra ở nhiều điểm trường tiểu học, phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở (PTDTBT THCS) trên địa bàn huyện Nam Trà My. Do là địa bàn miền núi khó khăn nên trước đây tình trạng học sinh không được trang bị đầy đủ SGK vẫn xảy ra cục bộ với một số trường hợp các em quá nghèo nhưng không phổ biến như năm nay. Theo phản ánh của một số giáo viên tại Trường PTDTBT THCS Trà Leng (xã Trà Leng), trường hiện có 236 em theo học thì khoảng một nửa trong số này không có đủ bộ SGK để học. Các em hầu hết đều sử dụng sách cũ, có em thiếu một cuốn sách, có em thiếu đến vài ba cuốn nên trong giờ học phải ngồi chụm lại với nhau để xem chung. Em Hồ Văn Then, học sinh lớp 9.1 Trường PTDTBT Trà Leng, bộc bạch: “Hiện tại em chưa có sách Vật lý nhưng không dám xin tiền mua sách vì nhà rất khó khăn. Phần lớn những cuốn sách các môn khác có được đều do xin lại nên đã cũ và rách phần bìa”. Trước hiện trạng này, một số giáo viên trong trường đã tìm nhiều cách vận động, xin quyên góp SGK cũ từ các tổ chức, nhà hảo tâm để tạm thời “chữa cháy” nhu cầu SGK của học sinh.
Nhiều học sinh ở Trường PTDTBT Trà Leng không có sách hoặc phải học sách rách bìa. Ảnh: Q.TUẤN |
Tình hình tại Trường tiểu học Trà Tập (xã Trà Tập) cũng không khá hơn khi phần lớn trong 200 em học sinh các khối từ 1 đến 3 hiện tại chưa có sách tập viết; trong khi khoảng 50 em thuộc các khối lớp 4 và 5 lại bị thiếu SGK các môn học cơ bản. Cô Lưu Thị Nghĩa – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trà Tập cho biết: “Những năm trước rất hiếm khi xảy ra việc các em nhỏ trong trường bị thiếu hụt SGK và dụng cụ học tập. Tuy nhiên do năm nay chương trình hỗ trợ học sinh có sự thay đổi nên dẫn đến tình trạng bị động trong việc trang bị SGK”. Được biết, ngoài lý do khách quan điều kiện kinh tế khó khăn của các em học sinh tại đây thì việc thay đổi, điều chỉnh chính sách hỗ trợ của chính phủ trong ngành giáo dục đã khiến nhiều học sinh bị bỡ ngỡ. Cụ thể, trước đây theo nghị định 49/2010/NĐ-CP về miễn, giảm học phí hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân luôn dành một khoản tiền hỗ trợ các em mua SGK và dụng cụ học tập trước khi bước vào năm học mới. Tuy nhiên, do năm ngoái chính phủ đã ban hành nghị định mới 86/2015/NĐ-CP nên các khoản hỗ trợ được điều chỉnh và chưa thể tới tận tay các em. Theo thầy Võ Đăng Thuận – Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Nam Trà My, nhận thấy tình hình thiếu hụt SGK ở học sinh địa phương khá trầm trọng nên vừa qua đơn vị đã gửi văn bản lên UBND huyện Nam Trà My xin cấp tạm kinh phí để mua một cơ số SGK trang bị cho các em phục vụ nhu cầu học tập trước mắt trong khi chờ đợi các khoản hỗ trợ được chuyển đến.
Nhiều sách hư và cũ
Tại huyện Nam Giang, theo ông Nguyễn Văn Bình – Trưởng phòng GD-ĐT huyện, năm học 2016 – 2017 này địa phương không có tình trạng học sinh thiếu SGK. Tuy vậy, vẫn xảy ra một số trường hợp SGK tại các trường học đã bị hư hỏng do rách bìa và cũ kỹ, không đảm bảo chất lượng phục vụ học tập của học sinh. “Ngoài số lượng sách vở được địa phương trang bị, hàng năm chúng tôi cũng liên kết kêu gọi sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm tạo điều kiện giúp các em học sinh có thêm điều kiện đến lớp. Nhiều đợt chúng tôi chuyển sách vở và dụng cụ học tập đến các em học sinh tại các trường trên địa bàn huyện, nhất là các trường nằm trong vùng biên giới còn nhiều khó khăn. Qua khảo sát, trên địa bàn huyện cơ bản đã đảm bảo về SGK” – ông Bình cho biết thêm.
Cô giáo Đinh Thị Kim Thanh – Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (xã La Dêê, Nam Giang) cũng khẳng định học sinh tại trường đều được trang bị đầy đủ SGK trước năm học mới. Kể từ khi được thành lập (2011) đến nay, học sinh nhà trường luôn nhận được nhiều đợt cấp phát SGK theo quy định từ cấp trên. Trong khi đó, hàng năm nhà trường cũng nhận được sự hỗ trợ từ đơn vị kết nghĩa, đảm bảo phục vụ việc giảng dạy tại nhà trường. “Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, nhiều quyển sách đã bắt đầu có dấu hiệu hư hỏng” – cô Thanh nói.
Tương tự, tại các huyện Phước Sơn và Tây Giang, các em học sinh ở các trường học đều đảm bảo có SGK trong năm học này. ở một số địa phương, dù không thiếu sách nhưng lại hạn chế về nhiều loại sách tham khảo. Ông Lê Văn Hà – Trưởng phòng GD-ĐT huyện Phước Sơn cho hay, do nhà xuất bản không tái bản một số loại SGK mới nên gây khó khăn ở một số địa phương có sách bị hư hỏng, hoặc quá cũ kỹ. Do vậy, ảnh hưởng đến việc học tập của các em học sinh miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đánh giá sơ bộ, hiện tại Phước Sơn có đến 30% SGK học sinh bị hư hỏng, hoặc quá cũ kỹ cần được trang bị mới. (Nguồn: baoquangnam.vn)