Trang chủPhóng sựĐời rớ trên dòng Trường Giang

Đời rớ trên dòng Trường Giang

 

Xuôi con nước về phía hạ lưu, sông Trường Giang dùng dằng chẳng muốn ra biển. Người từ tứ phương theo chiếc ghe, con đò về các cồn, doi đất dọc Trường Giang lập ấp hình thành nên các làng làm nghề câu, rồi nghề rớ đáy, rớ quay. Đã qua hơn 7 đời từ thuở khai man, những người dân sông nước vẫn bám sông mẹ giữ nghề tổ tiên, dẫu còn lắm lênh đênh…

Đêm tháng Giêng. Làng Đông Tân (xã Tam Hòa, Núi Thành) tĩnh mịch, bóng dừa vươn lên in giữa nền trời dọc theo con đường đất dẫn ra bến sông. Những chiếc đèn pin le lói trên tay những con người lặng lẽ, những mái chèo khẽ khua lòng nước. Người của làng này bắt đầu cho buổi thả rớ đáy trên sông.

Mái chèo khua đêm

Nơi làng này, người ta làm song song cả rớ đáy và rớ quay. Rớ quay là mảnh lưới lớn được neo chặt vào 4 chiếc cọc tre cắm giữa lòng sông rồi dùng đèn để “mồi” cá vào rớ. Còn với rớ đáy thì chọn một vị trí giữa sông, đóng hàng cọc tre rồi giăng lưới ngang sát đáy để bắt cá. “Cũng được hơn 20 năm thức cùng con sông này. Cha dạy lại cho mình kinh nghiệm về rớ đáy, rớ quay. Lấy vợ cùng làng, lại cùng nghề nên cứ bám sông mà sống” – anh Lê Anh Bảo tâm tình. 

Thả rớ trên sông Trường Giang. Ảnh: ĐẠO VINH
Thả rớ trên sông Trường Giang. Ảnh: ĐẠO VINH

Trên khúc sông này, vợ chồng anh Bảo có 1 hàng rớ đáy và 2 cái rớ quay. Chỉ bấy nhiêu cũng khiến vợ chồng anh quần quật ngày đêm trên sông. Mà cũng chẳng riêng gì vợ chồng anh, 60 hộ nơi thôn Đông Tân vẫn giữ nghề truyền thống, dẫu nghề này có phần vất vả. Ra tới hàng rớ cũng mất chừng 10 phút, khoảng thời gian rỗi này không đủ để anh kể chúng tôi nghe hết sự cực nhọc, nguy hiểm của nghề, như những đêm mưa rét dầm mình cất rớ, chuyện trúng gió, té ngã và cả những lần nước cuốn phăng mất lưới ra về tay không…

Rít hết hơi thuốc lá cho vơi bớt cái lạnh lẽo giữa sông, anh Bảo lẹ làng về mũi ghe thả lưới rớ, buộc dây neo, rồi lấy khúc tre dài ấn mạnh cho lưới rớ yên vị sát đáy sông. Xong việc, quay mũi ghe về chiếc rớ quay để tranh thủ hạ rớ. “Nước gì mà ngọt như nước đường, con nước lại xuống nhanh nữa, chắc đêm nay thu chẳng được bao nhiêu” – anh Bảo vục tay xuống lòng sông nếm thử nước để dự đoán trước khi về nghỉ ngơi. Đồng hồ điểm 12 giờ đêm…

Bữa cơm sáng bắt đầu lúc 2 giờ. Chan lịa canh cơm để ăn cho nhanh, tợp vội ngụm nước chè, anh Bảo giục vợ đi kéo rớ. Đồ nghề mang theo là chiếc mủng, rổ tre đựng cá. Chiếc ghe nhỏ chồng chềnh theo gió, sóng. Kéo xong 6 tay lưới rớ đáy, vợ chồng anh thu được khoảng chừng vài lạng tôm sông và ít cá đủ loại. “Chừng ấy chắc bán được cỡ 100-150 nghìn đồng. Nghề này bấp bênh tùy con nước và theo mùa nữa. Mùa lụt thì trúng lịch huyết, có đêm thu cả triệu đồng, còn những mùa khác thì gom dăm bảy loại cá đem bán mới đủ trang trải qua ngày” – anh Bảo trầm ngâm.

Vợ anh Bảo vội vàng dắt chiếc Honda cup 50 cũ kỹ đi bán những thứ vừa thu được cho kịp phiên chợ tận trên chợ Bà Bầu (Tam Xuân 2, Núi Thành) khi phía đông vừa hừng sáng.

Chuyện xưa, chuyện nay

Bên chén rượu, ông Trưởng thôn Đông Tân – Lê Anh Tuấn bảo nghề đã có từ hồi cha ông, làng Đông Tân lập nên ước phải 200 năm về trước. “Tổ tiên hồi đó xuôi ghe xuống đây bắt đầu với nghề câu, rồi sau mới hình thành nghề rớ ni với khoảng mấy chục hộ. Rồi cứ thế cha truyền con nối tạo nên cái nghề truyền thống để con cháu bám víu mưu sinh. Không riêng làng tôi mà dọc theo các xã Tam Tiến, Tam Giang, Tam Hải… các làng rớ cũng hình thành như thế” – ông Tuấn kể chuyện lập làng khai nghề.

Nghề rớ còn nhiều bấp bênh vì ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, môi trường nước. Ảnh: ĐẠO VINH
Nghề rớ còn nhiều bấp bênh vì ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, môi trường nước. Ảnh: ĐẠO VINH

Có lẽ nghề rớ cực khổ nhiều, thu nhập thấp nên dân bản địa từ xa xưa không ai làm, chỉ những người đến lưu vực hạ lưu sông Trường Giang ngụ cư lập làng mới làm nghề này. Nhưng chẳng dễ. Ngày xưa, để làm được một hàng rớ đáy hoặc một cái rớ quay, thì cả làng cùng nhau xúm lại mới nên chuyện. Khổ nhất là đan lưới, phải đi lấy vỏ cây gai về tước, phơi khô, rồi se thành sợi nhỏ mà đan lưới. Mấy chục người cùng đan và mất nguyên cả tháng ròng mới xong.

Ngày xưa cơ cực, còn chuyện của ngày nay vẫn còn đó những nỗi lo. Đã có thời, các làng rớ ở Núi Thành gần như mất đi bởi lắm chuyện xảy ra.

Chuyện dự án nạo vét lòng sông Trường Giang xôn xao một thời. Những chiếc rớ của các hộ dân ở Tam Giang, Tam Hải được đền bù theo đúng quy định của pháp luật. Nhưng mấy ai biết, các phận người đã lỡ gắn chặt với nghề rớ ngậm ngùi khi nghĩ đến ngày mai. Cái rớ mất đi nghĩa là cắt nghề mưu sinh của họ. Mất gần hai, ba năm trời họ nuôi cả gia đình trong sự chật vật bằng số tiền đền bù chỉ chừng chục triệu đồng. May mắn thay, tiến độ dự án nhanh đã trả lại sông nước mênh mông cho họ. Rớ lại được thả xuống, cất lên. Những làng rớ lại hồi sinh.

Lại còn đó chuyện biến đổi khí hậu, lòng sông bị nạo vét đổi thay khiến lượng cá tôm ít nhiều vơi đi. Còn có năm, mùa lụt chẳng về, chẳng kéo dài khiến nghề rớ trắng tay. (Nguồn: baoquangnam.vn)

Bình chọn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

ĐỌC NHIỀU