Trang chủPhóng sựDi dời dân dự án Nam Hội An: Nỗi lo sinh kế

Di dời dân dự án Nam Hội An: Nỗi lo sinh kế

 

Việc giải tỏa di dời dân nằm trong vùng dự án Nam Hội An gồm các xã Duy Nghĩa, Duy Hải (Duy Xuyên), xã Bình Dương (Thăng Bình) tới các khu tái định cư đã được triển khai nhưng quá trình chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm cho dân tại nơi ở mới, nhất là những người lớn tuổi vẫn chưa được các cấp ngành quan tâm đúng mức.

Người dân trong khu dân cư Lệ Sơn (xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên) vẫn chưa được đào tạo hay chuyển đổi nghề.Ảnh: VĨNH LỘC
Người dân trong khu dân cư Lệ Sơn (xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên) vẫn chưa được đào tạo hay chuyển đổi nghề.Ảnh: VĨNH LỘC

 

Lo lắng tương lai

Theo quy hoạch, xã Duy Hải (Duy Xuyên) bị giải tỏa trắng khoảng  1.000ha để nhường đất cho dự án xây dựng khu nghỉ dưỡng Nam Hội An và các khu tái định cư. Tính đến nay, 163ha đất đã được giải tỏa thu hồi, 178 hộ dân cũng được di dời lên khu tái định cư mới Duy Hải (thôn Tây Sơn Đông). Tuy nhiên, bên cạnh số lao động trẻ tự tìm việc trong các nhà máy như làm công nhân may, đi phụ hồ, làm tự do… thì nhiều người lớn tuổi (trên 50) vẫn chưa biết làm gì.

Ông Nguyễn Mười (49 tuổi) chia sẻ, gia đình ông vào khu tái định cư Duy Hải hơn một năm nay, hàng ngày ông đi làm phụ hồ, vợ ở nhà nuôi bò, vừa chăn dắt vừa tranh thủ về làng cũ làm ruộng nhưng vẫn thấp thỏm vì dự án sắp triển khai san lấp đất sản xuất. “Nhà tôi được bồi thường ít tiền nên không biết trông vào đâu, bây giờ vô khu tái định cư, đất đai chỉ đủ ở, muốn trồng trọt cũng chẳng được, muốn làm công nhân cũng khó vì lớn tuổi rồi, bây giờ thì đụng đâu làm đó, nếu mai mốt dự án san lấp không còn đất nữa thì chắc cũng phải bán bò để vợ qua Hội An xin giúp việc nhà thôi” – ông Mười nói. Tại khu tái định cư Duy Hải, ngoài những người như ông Mười chọn phụ hồ làm sinh kế hoặc những công việc tự do khác, một số lao động khác vẫn bám vào nghề biển, còn lại chưa có việc làm. Được biết, trong đợt giải tỏa vừa qua, ở địa phương, hộ được bồi thường thấp nhất cũng vài trăm triệu đồng, còn lại đều tiền tỷ, thậm chí có nhà số tiền nhận được 3 – 4 tỷ đồng, cá biệt có trường hợp hơn 5 tỷ đồng, nên ngoài đầu tư xây dựng lại những ngôi nhà mới to lớn, số tiền còn lại được người dân gửi ngân hàng rút lãi chi tiêu dần.

Không bị tác động nhiều như Duy Hải, nhưng xã Duy Nghĩa (Duy Xuyên) cũng bị giải tỏa trắng 256ha với khoảng 400 hộ dân bị ảnh hưởng. Tính đến tháng 11.2016, khoảng 5,6ha đã được kiểm đếm với 20 gia đình phải di dời vào khu tái định cư Lệ Sơn. Cũng giống như khu tái định cư Duy Hải, bên cạnh hệ thống hạ tầng, nước sinh hoạt, đường, cống… vẫn chưa hoàn thiện thì nỗi lo của các hộ dân là việc làm, nhất là những người lớn tuổi. Ông Nguyễn Văn Sáu (tổ 10, thôn Sơn Viên, xã Duy Nghĩa) lo lắng: “Mai mốt hết ruộng rồi đâu biết làm gì, nhà tôi mười mấy sào ruộng nhưng được bồi thường ít quá (60 triệu đồng/sào), phải chi nhiều tiền thì cũng gửi ngân hàng kiếm lãi tiêu dần. Sắp tới vô khu dân cư không ruộng không vườn, không nghề nghiệp chưa biết sống sao đây”. Tương tự, ông Trần Vinh, sống tại khu tái định cư Lệ Sơn (Duy Nghĩa) cũng băn khoăn, với diện tích cấp lại 300m2 là khá chật chội để gia đình chăn nuôi hay trồng trọt. Hiện tại, khu dân cư Lệ Sơn có khoảng 20 hộ dân. Cũng như ông, một số hộ tranh thủ đất làng cũ chưa bị san lấp trở về làm ruộng vườn, chăn nuôi thêm. “Có thấy chuyển đổi ngành nghề chi đâu, mà chuyển đổi nghề gì mới được, lớp trẻ còn đi làm, đi may chứ tụi tôi già rồi biết làm chi, có làm bảo vệ cũng chỉ vài chục ông thôi chứ không lẽ cả trăm người sao. Bây giờ tranh thủ dự án chưa san lấp thì làm được chừng nào hay chừng nấy” – ông Vinh nói.

Tự thân vận động

Thực tế, từ khi quy hoạch triển khai dự án Nam Hội An, nhiều đề án về chuyển đổi ngành nghề, đào tạo lao động đã được các cấp ngành phê duyệt. Tuy nhiên, đến nay dường như vẫn chưa thấy động tĩnh gì, chủ yếu người dân tự tìm kiếm công việc cho mình. Ông Nguyễn Tấn Nam – Chủ tịch UBND xã Duy Nghĩa xác nhận, xã vẫn chưa nhận được thông tin từ huyện hay tỉnh về việc mở các lớp đào tạo nghề nên người dân chủ yếu tự thân vận động. “Thời gian qua xã đã giải quyết được khoảng 300 lao động trẻ vào làm trong 2 công ty may là Ánh Sáng 4 và  Huy Hoàng (Duy Vinh), số còn lại thì làm tự do. Nhưng lo nhất vẫn là lao động trên 50 tuổi vì không biết phải làm gì sau khi ruộng đất bị thu hồi. Trước mắt, chỉ biết khuyến khích người dân chuyển đổi mô hình phát triển sản xuất như chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản trong khi nhà đầu tư chưa thu hồi đất, theo kiểu dự án tới đâu bàn giao đến đó” – ông Nam nói.

Theo ông Nguyễn Văn Thống – Chủ tịch UBND xã Duy Hải, hiện dân trong xã có 2 nguồn thu nhập chính. Một là từ tiền bồi thường giải tỏa, hai là làm các nghề liên quan đến biển. Do đó, ngoài một số phụ nữ trong độ tuổi lao động còn có thể đi may hoặc buôn bán… thì những người trên 60 tuổi, xã vẫn chưa có cách giải quyết gì, nên ngoài kiến nghị lên huyện, tỉnh có chương trình, giải pháp đào tạo nghề phù hợp, địa phương cũng giao trung tâm học tập cộng đồng làm việc với Phòng NN&PTNT và Trung tâm Dạy nghề của huyện tiến đến mở lớp tiếng Anh để đón đầu dự án. Đặc biệt, tập trung tuyên truyền, vận động người dân cách sử dụng tiền hợp lý như gửi ngân hàng lấy lãi hay đầu tư vào những nghề nghiệp chính đáng để phát triển, tránh trường hợp chi tiêu quá mức như xây nhà to lớn hay bỏ tiền vào những việc chưa cần thiết. “Nói chung phải quản lý nguồn tiền bồi thường sao cho hiệu quả, nhất là với các gia đình có con cái lớn, đề phòng sa ngã vào các tệ nạn xã hội” – ông Thống cho biết.

Theo lãnh đạo Phòng LĐ-TB&XH huyện Duy Xuyên, việc đào tạo chuyển đổi nghề cho nông dân tại các dự án vùng đông chủ yếu thuộc trách nhiệm của Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, phòng hầu như không nắm được thông tin gì. Còn theo ông Nguyễn Văn Khánh – Trưởng phòng Kinh tế & hạ tầng huyện Duy Xuyên, nhiệm vụ của phòng chỉ hỗ trợ quản lý hiện trạng và giải phóng mặt bằng cũng như phối hợp với địa phương vận động dân di dời, những vấn đề còn lại thuộc thẩm quyền và tầm quản lý của tỉnh. “Tôi nghĩ việc giải tỏa di dời sẽ không ảnh hưởng nhiều đến sinh kế người dân do hầu hết dân vùng đông làm nông rất ít, chủ yếu đi biển. Chưa nói, số tiền bồi thường cho mỗi hộ dân rất lớn nên họ có thể gửi ngân hàng rút lãi chi tiêu dần, vấn đề quan tâm hiện nay là làm sao để người dân hiểu và biết quản lý tốt số tiền này thôi” – ông Khánh bày tỏ. (Nguồn: baoquangnam.vn)

Bình chọn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

ĐỌC NHIỀU