Trang chủPhóng sựCăn cứ của sức mạnh quân dân

Căn cứ của sức mạnh quân dân

Tồn tại chỉ trong hai năm từ 1971 đến 1972, nhưng căn cứ lõm Bầu Bính, xã Bình Dương, huyện Thăng Bình đã trở thành nơi “thi gan”  và đọ sức quyết  liệt giữa một bên là vũ khí tối tân, sự tàn độc của kẻ thù và một bên lòng quả cảm và tinh thần trụ bám, đánh giặc đến cùng của quân và dân vùng cát Bình Dương.

Tồn tại chỉ trong hai năm từ 1971 đến 1972, nhưng căn cứ lõm Bầu Bính, xã Bình Dương, huyện Thăng Bình đã trở thành nơi “thi gan”  và đọ sức quyết  liệt giữa một bên là vũ khí tối tân, sự tàn độc của kẻ thù và một bên lòng quả cảm và tinh thần trụ bám, đánh giặc đến cùng của quân và dân vùng cát Bình Dương.

Sau Mậu Thân 1968, địch tăng cường càn quét, dồn dân, lập ấp chiến lược. Trong khi các vùng đồng bằng phía đông của tỉnh đã bị bình định, thì Bầu Bính, gồm thôn 4 và 1 phần thôn 5 xã Bình Dương với diện tích chỉ hơn 2km vẫn tồn tại hiên ngang trước mắt kẻ thù. Vì thế, nơi đây trở thành túi bom và là trọng điểm đánh phá ác liệt của kẻ thù với nhiều sắc phục : Mỹ – nguỵ – Nam triều Tiên. Nơi đây, kẻ thù còn dùng cả máy bay ném bom hạng nặng B57 nhằm huỷ diệt tất cả sự sống trên mặt đất, chỉ trong một ngày của tháng 10 năm 1972 đã có 83 người chết, thương vong do bom toạ độ Mỹ. 

41 năm đã trôi qua, ông Ngô Văn Trá, còn gọi là Tám Trá, nguyên là đội trưởng đội phẩu thuật cánh đông huyện Thăng Bình từ năm 1970 đến 1972, mới trở lại Đồi Dân, thôn Bầu Bính thượng, xã Bình Dương. Chẳng phải vì đường xá cách trở hay quá bận rộn với công việc, mà ông không muốn gợi lại những ký ức đau buồn ngay tại nơi ông đang đứng. Ngày ấy, trong một trận càn của địch, đồng chí Phó Bí thư Huyện ủy Thăng Bình-Nguyễn Đức Tân và Ủy viên Thường vụ Huyện ủy Trịnh Minh Đức, về đứng điểm chỉ đạo ở Bầu Bính đã hy sinh ngay trên miệng hầm và ngay trước mắt ông Trá. Trong trận càn này 3 đồng đội khác của ông Trá đều bị thương. Ông Hoàng Minh Long được ông Trá phẩu thuật cứu sống khi bị địch bắn thủng phổi, còn bà Đoàn Thị Tám phải cưa chân bị trúng đạn sắp rời ra .  

Trong hai năm 1971-1972 bám trụ, chiến đấu cùng du kích và bà con Bình Dương ở Bầu Bính, ông Phan Thanh Long, xã đội trưởng xã Bình Dương kể : không ngày nào là không có người chết và thương vong, mỗi mét vuông đất ở đây đều bị bom đạn kẻ thù băm nát vì thế trong từng tất đất đều có xương thịt của bà con, đồng đội. Tuy nhiên với tinh thần quả cảm, bám địch mà đánh, bám dân mà sống, lấy vũ khí địch diệt địch, du kích Bình Dương cùng với bộ đội chủ lực của huyện, tỉnh đã lần lượt đánh bại nhiều cuộc càn quét của địch, đồng thời đánh thọc sâu vào các đồn bót địch kiểm soát, khiến cho kẻ thù không lúc nào yên ổn.

Ngày 15.12.1972, để bảo vệ người dân và lực lượng trước sự đánh phá ngày càng ác liệt của địch và lường trước khả năng địch sẽ huy động lớn lực lượng quyết nhổ cho được “cái gai trước mắt” Bầu Bính, Tỉnh đội Quảng Nam ra lệnh cho lực lượng bộ đội tỉnh, huyện và các đội công tác bí mật rút quân và sơ tán khoảng 300 người dân ở căn cứ lõm Bầu Bính và các vùng lân cận vượt sông Trường Giang về vùng giải phóng. Cuộc sơ tán hàng trăm người vượt khỏi vòng vây bốn bề của kẻ thù an toàn cũng là một câu chuyện huyền thoại của Bầu Bính. Ông Phan Thanh Toán, nguyên uỷ viên thường vụ huyện uỷ Thăng Bình, phụ trách Bầu Bính giai đoạn 1971-1972 kể rằng chỉ với vài ba chiếc thúng chai, bè vớt rong của người dân địa phương, nhưng nhờ tổ chức tốt và bí mất, hàng trăm con người gồm bộ đội chủ lực tiểu đoàn 72, bộ đội địa phương V15, du kích, thương binh, nhân dân đã vượt khỏi vòng vây và về vùng giải phóng an toàn. Ông Lê Thanh Nghị, chính trị viên xã đội cùng với Hai Lạc, Ngô Dân là những người được phân công ở lại Bầu Bính để “bám đất”. Bà Trịnh Thị Huyền sau khi đưa khoảng 100 người về vùng giải phóng an toàn được phân công trở lại Bầu Bính, thành lập lại chi bộ và giữ chức bí thư.

Bà Trịnh Thị Huyền (ngoài cùng bên trái) và ông Phan Thanh Long (ngoài cùng bên phải) về thăm bà giáo Thế, cơ sở cách mạng Bầu Bính.

Vài trò của căn cứ lõm Bầu Bính chỉ tồn tại trong gần 2 năm nhưng đã góp phần làm thất bại âm mưu bình định của kẻ thù, tạo thế trận lòng dân vững chắc làm bàn đạp cho lực lượng chủ lực và du kích tiến công, đánh phá địch. Căn cứ Bầu Bính trở thành biểu tượng của sức mạnh và niềm tin chiến thắng của quân và dân vùng đông Thăng Bình, góp phần tô thắm thêm truyền thống của vùng đất 3 lần được phong tặng danh hiệu anh hùng LLVT trong thời chiến (hai lần) và thời bình.

Vinh Quang

Bình chọn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

ĐỌC NHIỀU