Làm sao để phát triển khu vực miền núi, hạ thấp tỷ lệ hộ nghèo, giảm dần khoảng cách giữa đồng bằng và miền núi, đó luôn là câu hỏi đặt ra đối với chính quyền tỉnh Quảng Nam cũng như các huyện miền núi cao trong tỉnh. Trong thời gian qua, một số địa phương cũng đã triển khai hiệu quả các mô hình về sắp xếp dân cư gắn với sản xuất, giúp nhau xóa đói giảm nghèo. Đây được xem như những điểm sáng để triển khai nhân rộng trong các huyện miền núi của tỉnh.
Làng tái định cư Aró huyện Tây Giang. |
Với phương châm “an cư mới lập nghiệp”, 5 năm gần đây, chính quyền huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam đã huy động tổng lực để hoàn thành 78 mặt bằng khu dân cư. Ở các khu tái định cư đã được bố trí đất ở, đất sản xuất, không gian văn hóa cho hàng ngàn hộ đồng bào Cơ Tu. Kinh nghiệm tại Tây Giang là cán bộ luôn bám sát dân, gần dân, nghe dân nói, nói dân hiểu và làm cho dân tin.
Ông Bhnướch Bon – một người dân ở thôn A Lua, xã Dang, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam khẳng định: “Nhờ Đảng, nhà nước quan tâm, tỉnh đến huyện, huyện đến xã, xã đến thôn, người dân cúng tôi rất vui mừng vì được sắp xếp khu dân cư. Ở đây có đầy đủ điện – đường -trường- trạm và nước sinh hoạt.
Còn ở huyện Nam Trà My, để giúp đồng bào thoát nghèo, huyện đã triển khai có hiệu quả mô hình “3 công chức giúp một hộ nghèo”. Sau giờ làm việc, công chức xuống từng thôn, vào từng nhà, hướng dẫn người dân từ việc vay vốn ngân hàng trồng cây gì, nuôi con gì dưới tán rừng là phù hợp nhất. Và mô hình này đã giúp hàng trăm hộ thoát nghèo và hàng chục hộ trở thành tỷ phú nhờ trồng sâm Ngọc Linh.
“Hiện nay có trên 840 hộ đã trồng trên 1000 cây sâm Ngọc Linh ở thôn 2 Trà Linh. Địa phương cũng đã ươm các loại cây dược liệu tại xã Trà Ka với hơn 5ha để cung cấp cho bà con trồng cây dược liệu sau này. Đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất để đột phá trong phát triển kinh tế xã hội tại địa phương chúng tôi” – Ông Nguyễn Thế Phước – Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My chia sẻ.
Với nhiều nguồn lực của Trung ương, tỉnh, miền núi Quảng Nam đã có nhiều đổi thay. Song để miền núi phát triển bền vững, giảm dần tỷ lệ hộ nghèo, thu hẹp khoảng cách vùng miền, tỉnh Quảng Nam cũng đề ra nhiều giải pháp động lực.Ông Lê Trí Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết về những định hướng lớn để phát triển miền núi trong thời gian đến – “Sắp xếp dân cư cũng phải gắn với việc bố trí đất sản xuất, thông qua việc điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng để giao đất giao rừng, sớm khẩn trương cho nhân dân, đồng thời hình thành những vùng sản xuất về trồng trọt chăn nuôi tập trung để người dân gắn bó nơi ở mới, với những bản sắc mới theo định hướng xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020”.
Với một tỉnh có đến 50% số huyện là miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ngoài những kinh nghiệm, giải pháp vừa nêu, Quảng Nam cũng đã và đang chú trọng đẩy mạnh trồng các loài cây dược liệu dưới tán rừng, phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng để vừa nâng cao thu nhập, vừa giúp đồng bào bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Hy vọng, từ những dự án động lực, những giải pháp căn cơ, miền núi Quảng Nam sẽ có những đổi thay bền vững hơn trong thời gian đến.
Tấn Sỹ