Trang chủPhóng sự15 năm Giải thưởng Phan Châu Trinh

15 năm Giải thưởng Phan Châu Trinh

 

UBND TP.Tam Kỳ vừa kỷ niệm 15 năm thành lập Giải thưởng Phan Châu Trinh. Đây là giải thưởng mà có lẽ bất cứ công dân nào của TP.Tam Kỳ cũng đều mong muốn ít nhất một lần được nhận.

Lãnh đạo TP.Tam Kỳ trao Giải thưởng Phan Châu Trinh cho các cá nhân. Ảnh: X.P
Lãnh đạo TP.Tam Kỳ trao Giải thưởng Phan Châu Trinh cho các cá nhân. Ảnh: X.P

Đề cao sự học

Mảnh đất Tam Kỳ vốn có truyền thống hiếu học, giai đoạn lịch sử nào, nơi đây cũng đều xuất hiện nhiều bậc hiền tài, nhiều cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong học tập, thi cử. Dù vậy, một thời gian dài địa phương chưa có giải thưởng nào xứng đáng nhằm ghi nhận và vinh danh những tài năng trên con đường học tập, nghiên cứu. Trong cuốn kỷ yếu 15 năm Giải thưởng Phan Châu Trinh (do UBND TP.Tam Kỳ xuất bản), Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội Nguyễn Đức Hải, nguyên Bí thư Thị ủy Tam Kỳ và là một trong những người sáng lập ra Giải thưởng Phan Châu Trinh, kể rằng, năm 2002, Thị ủy, UBND thị xã chỉ đạo ngành GD&ĐT và Hội Khuyến học nghiên cứu đề xuất một hình thức giải thưởng nhằm động viên, thúc đẩy phong trào học tập. Từ đó, Giải thưởng Phan Châu Trinh ra đời. Đối tượng được tôn vinh là học sinh (HS) đoạt các giải cao tại kỳ thi HS giỏi cấp tỉnh, quốc gia, quốc tế; sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi, xuất sắc; người tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ, được phong hàm giáo sư; giáo viên giỏi đoạt giải tại hội thi giáo viên cấp tỉnh, quốc gia, được tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú, nhà giáo nhân dân. Đây là giải thưởng danh giá đầu tiên của cả tỉnh (ngay cả học bổng đất Quảng của tỉnh cũng chỉ có từ năm 2005) gồm giấy chứng nhận, biểu tượng Phan Châu Trinh và 3 triệu đồng – cao nhất trong các loại phần thưởng ở thời điểm năm 2002.

Điều lo ngại nhất là nguồn tài chính để “nuôi” giải thưởng lâu dài trong khi số tiền thưởng của Giải thưởng Phan Châu Trinh khá lớn. Đáng mừng là việc huy động xã hội hóa nguồn kinh phí cho giải thưởng này lại gặp được rất nhiều thuận lợi. Với tinh thần “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, vì sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, giải thưởng mang tên nhà chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh – người luôn đề cao sự học, nhận được sự ủng hộ rất nhiệt tình bằng cả tinh thần lẫn vật chất từ các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh. Giải thưởng cấp thị xã song Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải lúc đó hỗ trợ 50 triệu đồng. Nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công gửi thư động viên và hỗ trợ tiền. Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cũng ủng hộ ngay cho quỹ 5 triệu đồng. Nhiều doanh nghiệp cũng sẵn lòng góp sức cho giải thưởng với số tiền khá lớn như Vietcombank Quảng Nam 200 triệu đồng, Công ty TNHH Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Chu Lai 200 triệu đồng, Công ty CP Ô tô Chu Lai Trường Hải 100 triệu đồng, Công ty TNHH May Tuấn Đạt 100 triệu đồng. Những năm sau này, danh sách doanh nghiệp hỗ trợ càng dài ra như Công ty TNHH Nghĩa Sơn, Ban Quản lý Đầu tư xây dựng Quảng Nam, Công ty CP Xây dựng và kinh doanh nhà Tam Kỳ, Công ty TNHH Đại Dương Xanh… Ông Dương Thanh Xuân – Chủ tịch Hội Khuyến học TP.Tam Kỳ cho biết, đến nay, giải thưởng đã trải qua 3 lần điều chỉnh theo hướng nâng cao tiêu chuẩn và giá trị khen thưởng, điều đó cho thấy sức lan tỏa, sự tác động của giải thưởng đối với phong trào khuyến học, khuyến tài ở địa phương.

Vinh danh người tài

Biểu tượng Phan Châu Trinh được mạ vàng thật
Ngoài tiền mặt, các cá nhân nhận Giải thưởng Phan Châu Trinh còn được tặng một biểu tượng nhà chí sĩ Phan Châu Trinh. Một thông tin khá thú vị ít ai biết, đó là biểu tượng Phan Châu Trinh làm bằng đồng và được mạ bằng vàng thật khoảng 1/3 chỉ vàng, đế bằng gỗ. Theo ông Dương Thanh Xuân, biểu tượng được sản xuất tại nhà máy cơ khí Bộ Quốc phòng, trị giá mỗi biểu tượng gần 1 triệu đồng.

Kỷ niệm 15 năm thành lập Giải thưởng Phan Châu Trinh, UBND TP.Tam Kỳ cũng đã tổ chức trao giải thưởng lần thứ 16 tại Văn thánh Khổng miếu – nơi ngày trước đề cao sự học và vinh danh các bậc hiền tài vì nước vì dân, nhằm cổ vũ, giáo dục truyền thống hiếu học cho người dân Tam Kỳ. Trong đợt này có 6 tiến sĩ, 5 thạc sĩ, 8 học sinh đoạt giải cao tại kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia, cấp tỉnh và 66 sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi, xuất sắc với tổng số tiền thưởng là hơn 330 triệu đồng. Như vậy sau 15 năm thành lập, đã có 725 người con của Tam Kỳ đang học tập và công tác trên mọi miền của Tổ quốc được nhận Giải thưởng Phan Châu Trinh với số tiền hơn 2,3 tỷ đồng. Đáng chú ý, có đến 36 tiến sĩ và 114 thạc sĩ. Theo ông Bùi Ngọc Ảnh – Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ, từ năm 1987, Thị ủy Tam Kỳ đã khởi xướng chỉ đạo và trực tiếp vận động những người có tâm huyết hình thành ban vận động khuyến học. Đến năm 1992, Hội Khuyến học Tam Kỳ chính thức được công nhận và trong suốt 25 năm qua đã đóng góp to lớn vào sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, động viên phong trào học tập. Năm 2002, Giải thưởng Phan Châu Trinh ra đời nhằm vinh danh các cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong học tập. Đến nay, một số người nhiều lần được vinh danh như Hồ Phú Quốc, Nguyễn Hữu Hiệp, Dương Quốc Tín, Phan Nguyễn Thu Sương.

Giải thưởng Phan Châu Trinh đã tạo ra động lực rất lớn khuyến khích phong trào học tập, nghiên cứu trong cán bộ, sinh viên và học sinh Tam Kỳ. Đạt giải thưởng Phan Châu Trinh hiện nay là mục tiêu chinh phục của nhiều người con Tam Kỳ, bởi giải thưởng không chỉ có giá  trị lớn về mặt vật chất mà quan trọng hơn là ý nghĩa về mặt tinh thần. Từng 2 lần nhận giải thưởng Phan Châu Trinh vào các năm 2008 và 2012, tiến sĩ Đinh Gia Thiện – Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm cho rằng rất tự hào khi được đứng trên bục vinh danh và đó là động lực cho bản thân sau khi tốt nghiệp thạc sĩ tiếp tục nghiên cứu hoàn thành luận án tiến sĩ. Giải thưởng này cũng có giá trị tinh thần hết sức to lớn, mang tính chiến lược trong quá trình phát triển sự nghiệp GD-ĐT. Còn một học sinh được trao giải thưởng Phan Châu Trinh bày tỏ, nhận từ tay vị lãnh đạo thành phố biểu tượng nhà chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh là một vinh dự rất lớn cho bản thân. Điều này giúp cho em nỗ lực hơn nữa trong học tập và rèn luyện để xứng đáng với những gì mà thành phố tin tưởng. (Nguồn: baoquangnam.vn)

Bình chọn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

ĐỌC NHIỀU