Trang chủKinh tếQuý I/2024, nhiều chỉ tiêu kinh tế xã hội quan trọng lấy lại đà tăng trưởng

Quý I/2024, nhiều chỉ tiêu kinh tế xã hội quan trọng lấy lại đà tăng trưởng

Chiều nay 1/4, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương, đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ KTXH quý I, bàn giải pháp tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ KTXH tháng 4 và quý II. Hội nghị có sự tham dự của các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Thường trực HĐND, UBND tỉnh và các điểm cầu tại 18 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì hội nghị trực tuyến chiều nay 1/4

Kết thúc quý I, hầu hết các chỉ tiêu KTXH quan trọng của tỉnh đều có sự tăng trưởng nhất định so với cùng kỳ năm ngoái, song nhìn toàn cảnh, tình hình vẫn chưa hết khó khăn.

Theo số liệu Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trên địa bàn – GRDP quý I tiếp tục giảm 3% so với cùng kỳ năm 2023, mức tăng trưởng âm này có phần cải thiện hơn so với các quý trước nhưng phục hồi chậm. Trong mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng hơn 3%, khu vực công nghiệp – xây dựng giảm hơn 8%; khu vực dịch vụ tăng 3% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm gần 8%. Quy mô nền kinh tế đạt trên 26 nghìn tỷ đồng.

So với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, Quảng Nam có mức tăng trưởng thấp thứ 3 và xếp vị thứ 29/63 về quy mô GRDP.

Với dự báo vẫn còn nhiều thách thức trong điều kiện khó khăn của năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu các ngành từ tỉnh đến các địa phương ngay từ đầu tháng 4 này phải thực hiện rà soát, đánh giá lại những kết quả đạt được trong quý I, đề ra các giải pháp thiết thực, cụ thể để chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm trong quý II, quyết tâm phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đề ra trong năm 2024 theo kế hoạch.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh phát biểu

Chủ tịch UBND tỉnh đặc biệt lưu ý chức năng và yêu cầu từng ngành, từng địa phương, bám sát quy hoạch để khẩn trương xây dựng và hoàn thiện dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời, tổ chức lấy ý kiến các Bộ, ngành Trung ương để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đảm bảo thời gian quy định. Rà soát đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế mở Chu Lai đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 theo kỳ quy hoạch; triển khai lập đồ án điều chỉnh ranh giới Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang trình Thủ tướng Chính phủ thống nhất.

Tiếp tục thực hiện các thủ tục để triển khai Đề án hình thành và phát triển Trung tâm Công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm từ silica trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; xử lý, tháo gỡ các vướng mắc một cách cụ thể, thiết thực, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là những ngành kinh tế chủ lực của tỉnh vượt qua giai đoạn khó khăn, sớm phục hồi sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, hướng dẫn, giải quyết kịp thời các thủ tục cho các nhà đầu tư để triển khai dự án, nhất là các dự án được trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư/giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/thỏa thuận nghiên cứu địa điểm đầu tư tại hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh vào ngày 16/3 vừa qua. Tăng cường xúc tiến, mở rộng tìm kiếm thị trường, thu hút các dự án FDI; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm OCOP…

Đặc biệt, xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu và xuyên suốt trong năm 2024. Các ngành, địa phương phải thể hiện quyết tâm cao trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Chỉ thị số 03 của UBND tỉnh, phấn đấu mục tiêu giải ngân đạt 100%; trong đó, đến hết ngày 30/6/2024 giải ngân đạt trên 40%. Ưu tiên giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 được phép kéo dài sang năm 2024, giải ngân các Chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án thuộc Chương trình phục hồi phát triển kinh tế – xã hội.

Nâng cao năng lực, tuân thủ các quy định của Nhà nước về quản lý dự án đầu tư; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án sớm hoàn thiện đưa vào sử dụng, tác động lan tỏa đến các ngành kinh tế, đặc biệt là các dự án trọng điểm…

Hiền Viên – Phúc Lâm

Bình chọn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

ĐỌC NHIỀU