Trang chủKinh tếPhát triển nông nghiệp sạch ở Nông Sơn

Phát triển nông nghiệp sạch ở Nông Sơn

Để nâng cao đời sống cho người dân, ngành nông nghiệp huyện Nông Sơn đã và đang tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, chú trọng hình thành các mô hình chuỗi giá trị gắn với an toàn sinh thái.

Ngay từ khi Đại Bình (xã Quế Trung) được chọn xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, gia đình ông Nguyễn Quốc Khánh đã mạnh dạn đăng ký xây dựng vườn mẫu với mong muốn khu vườn của gia đình được đầu tư bài bản, đúng kỹ thuật, tăng hiệu quả kinh tế.

Với hai khu vườn rộng 7.500m2, ông Khánh quy hoạch thành 3 khu trồng cây ăn quả với 80 cây bưởi da xanh, 18 cây bưởi trụ Đại Bình, 12 cây sầu riêng. Đến nay, số bưởi trụ Đại Bình và bưởi da xanh đã cho thu hoạch được 6 năm; mỗi năm gia đình ông thu nhập khoảng 250-300 triệu đồng từ vườn trái cây, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 200 triệu đồng.

Năm 2018, ông Khánh đầu tư 40 triệu đồng xây dựng bể chứa nước 10m3 và hệ thống tưới nước tự động cho cây. Cùng với đó, ông thường xuyên tìm tòi, học hỏi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng cây ăn quả, liên hệ mua các loại phân bón sinh học, chế phẩm sinh học từ TP. Hồ Chí Minh để giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao, chất lượng quả tốt.

Không chỉ cây ăn quả, nhiều mô hình kinh tế khác trên địa bàn huyện cũng cho hiệu quả kinh tế cao, có thể nhân rộng. Với quy mô 120 con, mô hình nuôi bò 3B, bò vỗ béo của ông Võ Thanh An (thôn Tân Phong, xã Quế Lộc) bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao.

Năm 2019, ông An đầu tư 600 triệu đồng xây dựng chuồng trại rộng 1000m2, trồng 4ha cỏ xen dưới rừng gỗ lớn, trang bị hệ thống tưới nước tự động và một máy băm cỏ trị giá 30 triệu đồng để nuôi bò. Với khối lượng phân thải ra hằng ngày, ông An xử lý qua chế phẩm sinh học để nuôi trùn quế. Sau khi nuôi trùn, lượng phân này được sử dụng để trồng rau sạch, hoa lan với giá bán hiện nay là 40.000 đồng/kg.

Theo ông An, với số lượng đàn như hiện tại, sau khi trừ chi phí mỗi năm gia đình lãi khoảng 700 triệu đồng. Cùng với chăn nuôi, ông An còn phát triển rừng gỗ lớn với diện tích 17,4 ha. Hiện, mô hình của ông An tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động với mức thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng.

Năm 2015 đến nay, Nông Sơn đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, xây dựng và nhân rộng mô hình mẫu nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân.

Từ năm 2018-2020, toàn huyện triển khai 13 dự án liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm về lâm nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi với tổng nguồn vốn hơn 5,6 tỷ đồng. Đến nay NS có 07 sản phẩm OCOP, trong đó 01 sản phẩm đạt 4 sao, 06 sản phẩm đạt 03 sao; 3 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp huyện.

Thời gian tới, để nâng cao giá trị, huyện Nông Sơn tiếp tục chú trọng khai thác lợi thế của một số loại cây trồng, vật nuôi mang giá trị đặc trưng của địa phương. Đồng thời, tăng cường quảng bá hình ảnh, tiềm năng, lợi thế; hỗ trợ nhân dân cải tạo, chỉnh trang vườn tược gắn với phát triển du lịch, góp phần tăng giá trị và tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp, hướng tới nền nông nghiệp sạch, thân thiện môi trường.

Bình chọn

ĐỌC NHIỀU