Trang chủKinh tếHiệp hội Dệt may Việt Nam tổ chức kỷ niệm 25 năm thành lập

Hiệp hội Dệt may Việt Nam tổ chức kỷ niệm 25 năm thành lập

Sáng ngày 14/12, Tại Khu Du lịch Vinpearl Nam Hội An – Quảng Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam tổ chức kỷ niệm 25 năm thành lập và Tổng kết năm 2024 – cột mốc quan trọng ghi dấu những đóng góp của VITAS vào sự phát triển của Ngành Dệt may Việt Nam. Sự kiện có sự tham dự của lãnh đạo các Bộ ngành, địa phương cùng với gần 500 đại biểu, khách mời là lãnh đạo ngành dệt may và VITAS qua các thời kỳ, các tổ chức quốc tế, các hiệp hội dệt may nước ngoài, một số hiệp hội ngành hàng trong nước, các doanh nghiệp hội viên…

Hiệp hội Dệt may Việt Nam tổ chức kỷ niệm 25 năm thành lập sáng ngày 14/12

Từ chỗ chủ yếu phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, kim ngạch xuất khẩu rất nhỏ bé so với các nước trong khu vực… đến nay ngành dệt may Việt Nam đã vươn lên vị trí cường quốc xuất khẩu thứ ba thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Bangladesh. Thị trường trong nước 25 năm qua cũng tăng từ trên 300 triệu USD lên khoảng 4,5 tỷ USD…

Với lực lượng lao động trên 3 triệu người, dệt may là ngành thu dụng lao động lớn nhất trong các ngành kinh tế cả nước, góp phần quan trọng giải quyết việc làm, đảm bảo thu nhập cho người lao động, giữ vững trật tự, an toàn xã hội, tăng thu ngân sách cho Nhà nước, các địa phương và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

25 năm qua, Hiệp hội đã thực hiện tốt vai trò kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau và với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hình thành chuỗi cung ứng; tổ chức nhiều đoàn xúc tiến thương mại tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Đài Loan… để mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia và hoạt động tích cực tại nhiều tổ chức quốc tế lớn chuyên ngành dệt may như: ITMF, AFTEX, AFF…

Trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, năm 2024, ngành dệt may Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng khá. Kim ngạch xuất khẩu đạt 44 tỷ USD, tăng trên 11% so với năm 2023, kim ngạch nhập khẩu đạt 25 tỷ USD, tăng gần 15%; xuất siêu 19 tỷ USD, tăng gần 7% so với năm 2023…

Thực hiện Chiến lược phát triển ngành dệt may & da giày, từ nay đến năm 2030, ngành sẽ chuyển dần từ phát triển nhanh sang phát triển bền vững. Từ 2031-2035, phát triển bền vững một cách hiệu quả theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong vai trò dẫn dắt, kết nối, VITAS tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp đoàn kết triển khai hiệu quả giải pháp chuyển đổi kép, để xây dựng một thương hiệu dệt may Việt Nam bền vững.

Hiền Viên – Trung Hiếu

Bình chọn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

ĐỌC NHIỀU