Nghị quyết 23 của HĐND tỉnh ban hành không chỉ dừng lại ở mục tiêu sắp xếp, bố trí dân cư mà còn hướng đến xây dựng chương trình tổng thể phát triển miền núi, đảm bảo các yếu tố thích ứng bền vững trước thiên tai, cảnh quan môi trường và vùng sản xuất.
Mở rộng vùng trồng sâm Ngọc Linh ở miền núi Quảng Nam.
Theo đó, trong chiến lược phát triển mới, miền núi sẽ được phân chia theo 3 vùng cụ thể: vùng núi phía bắc gồm các huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, chủ yếu phát triển dược liệu và cây công nghiệp. Vùng trung du gồm Nông Sơn, Hiệp Đức, Tiên Phước sẽ phát triển cụm công nghiệp, dịch vụ, du lịch sinh thái và các vùng nguyên liệu, kinh tế vườn, kinh tế trang trại. Vùng miền núi phía nam gồm các uyện Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My sẽ phát triển vùng nguyên liệu dược liệu, sâm Ngọc Linh, quế Trà My, du lịch vùng sâm…
Nhiệm vụ phát triển kinh tế miền núi giai đoạn 2022 đến năm 2025 là tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; hoàn thành bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số./.
Duy Bình