Tình trạng cứ mưa lớn là ngập tại các tuyến đường nội đô TP Tam Kỳ và ngập lụt trên diện rộng sau các đợt mưa lớn vừa qua là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm chất vấn.
Sáng 8-12, kỳ họp thứ tư HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X bước vào ngày làm việc thứ 2 với phiên chất vấn và trả lời chất vấn, liên qua đến các lĩnh vực gồm tài nguyên và môi trường, xây dựng, y tế, văn hóa – thể thao và du lịch.
Giải trình tại kỳ họp về giải pháp đồng bộ, căn cơ chống ngập úng TP Tam Kỳ và các đô thị trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, ông Nguyễn Phú, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam, cho biết diễn biến phức tạp của thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu, nhất là từ năm 2018 đến nay ngày càng gia tăng, không những ngập lụt cho các đô thị mà còn gây sạt lở đất, triều cường, xói lở bờ biển, bờ sông ngày càng nghiêm trọng.
Từ những khó khăn thách thức trên, Sở Xây dựng đã chủ động phối hợp với Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng nghiên cứu đề tài “Đánh giá diễn biến ngập lụt và đề xuất giải pháp ứng phó ngập lụt TP Tam Kỳ trong bối cảnh đô thị hóa và biến đổi khí hậu” nhằm tìm ra các nguyên nhân và đưa ra những giải pháp thiết thực đưa vào công trình thực tiễn, nhằm giảm ngập một cách bền vững cho thành phố.
Ngày 25-11 vừa qua Sở Xây dựng đã phối hợp với Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng tổ chức Hội thảo “Đánh giá hiện trạng và xác định nguyên nhân ngập lụt TP Tam Kỳ và vùng phụ cận”.
Tại hội thảo, về cơ bản đã tìm ra được nguyên nhân gây ngập cho thành phố và đưa ra một số giải pháp sơ bộ ban đầu để khắc phục, hạn chế ngập.
Cụ thể, có 3 nguyên nhân: (1) Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mưa lớn cực đoan, bất thường xảy ra thường xuyên và chế độ bán nhật triều ảnh hưởng đến các sông Bàn Thạch, Kỳ Phú, Tam Kỳ, Trường Giang. Theo báo cáo của Đài khí tượng thủy văn Quảng Nam giai đoạn 1999 – 2021, trên sông Tam Kỳ đã xuất hiên 14 đợt lũ lụt (trung bình 2 năm xảy ra 1 đợt lũ lụt). Ngoài trận lũ lịch sử tháng 11-1999, thì các năm 2018, 2020 và 2021 liên tiếp xuất hiện lũ trên báo động 3, gây ra ngập lụt diện rộng do lượng mưa quá lớn trên 570 mm.
(2) Nước từ Thăng Bình và Phú Ninh đổ về sông Bàn Thạch lớn làm mực nước sông dâng cao hơn cao trình các cửa xả từ nội đô thoát ra sông, và từ phía Tây 2 đường Nguyễn Hoàng đổ vào nội đô Tam Kỳ gây khó khăn cho việc tiêu thoát nước ra sông dẫn đến ngập úng cục bộ.
(3) Lũ rút khá chậm là do khả năng tiêu thoát lũ tự nhiên của sông Bàn Thạch kém và rất kém nếu khi có triều cường và hiệu ứng ô trữ nước được hình thành từ các tuyến đường giao thông. Do lòng dẫn thoát lũ qua đoạn này bị thu hẹp.
Các giải pháp được đưa ra như sau: (1) Cần hạ thấp mực nước lũ trên sông Bàn Thạch đoạn chảy qua thành phố bằng cách nghiên cứu phân lũ: từ sông Bàn Thạch sang sông Trường Giang tại khu vực huyện Thăng Bình; từ hồ sông Đầm về sông Trường Giang; một phần chia nước từ hồ sông Đầm rồi cho nhập vào hạ lưu sông Bàn Thạch.
(2) Kiểm soát lũ từ lưu vực trũng phía Tây đổ qua cống Ông Dung vào hồ Duy Tân bằng cách nghiên cứu kiểm soát và chuyển hướng dòng chảy ra sông Tam Kỳ.
(3) Dự báo diễn biến ngập lụt thành phố Tam Kỳ và vùng phụ cận theo các kịch bản quy hoạch, biến đổi khí hậu và tình huống xả lũ khẩn cấp của hồ Phú Ninh.
Ông Phú cho biết Sở Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng hoàn thiện nghiên cứu đề tài khoa học nêu trên. Phối hợp với TP Tam Kỳ tìm giải pháp thoát nước trong nội đô trong thời gian sớm nhất, báo cáo UBND tỉnh xem xét.
Chất vấn về phần trả lời của ông Nguyễn Phú, ông Phan Công Vỹ, Bí thư Huyện ủy Thăng Bình cho rằng các giải pháp mà Sở Xây dựng trình bày như do biến đổi khí hậu, cực đoan mưa lớn, nước từ Thăng Bình, Phú Ninh đổ về là nguyên nhân nhưng không phải nguyên nhân chính.
Ông Nguyễn Tri Ấn, Bí thư Huyện ủy Núi Thành cũng cho rằng các nguyên nhân mà Sở Xây dựng đưa ra về cơ bản đúng nhưng chưa phải đầy đủ. Ông Ấn cho rằng ngập lụt có nguyên nhân do quá trình hình thành, phát triển đô thị đã phá vỡ cảnh quan, địa hình, công tác quy hoạch còn hạn chế…
Ông Trần Nam Hưng, Bí thư Thành ủy Tam Kỳ, cho rằng nội thị Tam Kỳ năng lực thoát nước cục bộ rất kém, nguyên nhân là do cống ở Tam Kỳ quá nhỏ, xuống cấp, khớp nối hạ tầng cống nước ra hệ thống thoát nước chính cũng rất tệ. Ông Hưng cho rằng cần phải có nguồn lực lớn, giải pháp thực hiện một cách đồng bộ.
Ông Nguyễn Phú thừa nhận thời gian qua công tác dự báo, tầm nhìn trong quy hoạch còn yếu…
Trần Thường (Báo Người Lao Động)